Tỷ lệ thực hiện lần này là 19,5%/mệnh giá, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận được 1.950 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện là 11/9. Với 135,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Cao su Phước Hòa sẽ chi 264,2 tỷ đồng cho lần trả cổ tức đợt 2 năm 2022.
Cao su Phước Hòa đã thông qua việc chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 59,5% tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Doanh nghiệp đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 40% vào tháng 2 và tháng 5/2023, mỗi lần thực hiện với tỷ lệ 20%.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi so với năm 2022. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 549,14 tỷ đồng, giảm 40%; lợi nhuận sau thuế đạt 487,65 tỷ đồng, giảm 36%.
Lợi nhuận PHR cao gấp hai lần dù doanh thu giảm 17% trong quý 2
Cùng với kế hoạch kinh doanh đi lùi, tỷ lệ chia cổ tức của PHR cũng được dự kiến với mức tối thiểu 30%/mệnh giá.
PHR cho biết, năm 2023 doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm tình trạng thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, năng suất vườn cây khai thác không cao…
Bên cạnh đó, kinh doanh của PHR cũng sẽ kém thuận lợi hơn khi dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan khi người tiêu dùng các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.
Mặt khác, giá cao su thiên nhiên trong năm nay vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố cơ bản cung – cầu và tâm lý chung trên thị trường chịu tác động chủ yếu từ diễn biến kinh tế toàn cầu (xung đột Nga – Ukraine, giá năng lượng, đại dịch Covid-19…).
Theo báo cáo của SSI Research, dự kiến đến năm 2024, lợi nhuận của Cao su Phước Hòa vẫn sẽ thấp hơn so với năm trước. Tác động chủ yếu do giá giá cao su thiên nhiên vẫn ở mức thấp so với giá bán trung bình giai đoạn 2021 – 2022.
Mặt khác, nếu như năm 2023 PHR có khoản thu 75 tỷ đồng từ việc chuyển đổi cây cao su già thì năm 2024 khoản thu này chỉ còn đạt 15 tỷ đồng… Năm nay, PHR cũng nhận khoản đền bù đất cuối cùng từ dự án VSIP 3 vào quý 1 với 200 tỷ đồng, khoản thu này sẽ không được ghi nhận trong năm 2024.