Ảnh minh họa |
Theo báo cáo cáo tài chính hợp nhất quý 2 công bố ngày 18/7 của CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR), quý 2/2023 doanh nghiệp thu về 201 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán của PHR cũng giảm 24%, từ mức 203 tỷ đồng xuống còn 153 tỷ đồng (bao gồm giảm giá vốn thành phẩm đã bán, giá vốn cho thuê đất…).
Hai yếu tố trên đã đưa lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 47 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 16%.
Trong quý 2/2023, doanh thu hoạt động tài chính của PHR tăng 1,9 lần, lên mức 60 tỷ đồng. Mức tăng này phần lớn đến từ việc PHR có thêm khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng 1,5 lần, từ 4,8 tỷ đồng ghi nhận quý 2/2022 lên 7,4 tỷ đồng vào quý 2/2023.
Các khoản chi phí khác, bao gồm bán hàng và quản lý doanh nghiệp có sự thay đổi nhưng không đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng từ 3,8 tỷ đồng lên 4,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 20,7 tỷ đồng xuống còn 20,3 tỷ đồng.
Từ các yếu tố trên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt 84,4 tỷ đồng, tăng 28% so với mức 65,7 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của PHR tăng gấp 2,2 lần, lên mức 127 tỷ đồng. Mức tăng trưởng đột biến này đến từ việc lợi nhuận khác của PHR lên mức 69 tỷ đồng do doanh nghiệp thanh lý 285,14 ha vườn cây cao su và thu về 74,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế tăng cũng nhờ doanh nghiệp nhận tiền cổ tức đợt 2 từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) với 15,8 tỷ đồng.
Lũy kế 2 quý đầu năm 2023, Cao su Phước Hòa thu về 527 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 360 tỷ đồng, tăng 1,6%.
Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tính đến ngày 30/6/2023, tài sản của PHR đã giảm 340 tỷ đồng, từ mức 6.328 tỷ đồng ngày đầu năm xuống còn 5.988 tỷ đồng. Sự biến động chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn khi giảm từ 3.055 tỷ đồng xuống còn 2.758 tỷ đồng.
Cụ thể, các khoản tiền gửi có kỳ hạn còn lại từ dưới 12 tháng tại các ngân hàng của doanh nghiệp đã giảm từ 2.233 tỷ đồng xuống còn 1.928 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm từ 322 tỷ đồng xuống còn 249 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, nợ của doanh nghiệp ở mức 2.484 tỷ đồng, giảm 14% so với mức 2.893 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2023. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp đạt 924 tỷ đồng, giảm 28%. Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn tăng 16%, lên mức 138 tỷ đồng.
Ngược lại, khoản cổ tức, lợi nhuận phải trả ghi nhận giảm từ 551 tỷ đồng xuống còn 330 tỷ đồng. Khoản phải trả người lao động cũng giảm từ 94 tỷ đồng xuống còn 19 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của PHR đến 30/6 ở mức 3.507 tỷ đồng, bao gồm 1.354 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu và 533 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tăng 6,8% so với ngày đầu năm 2023)...
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 18/7, giá cổ phiếu PHR ở mức 51.300 đồng/cp, tăng 10% so với đáy ngắn hạn phiên 30/6 và giảm 35% so với đỉnh lịch sử 80.000 đồng/cp phiên 18/4/2022.