Cao su Phước Hoà là doanh nghiệp cao su đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Ảnh: PHR |
Là công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận lãi sau thuế 217 tỷ đồng, tăng 75% so với quý 2/2023 và là mức lợi nhuận cao kỷ lục theo quý trong lịch sử hoạt động.
Theo giải trình của MBS, kết quả kinh doanh tích cực của quý 2 là nhờ giá trị và khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, giúp hỗ trợ mảng môi giới và cho vay. Công ty mang về 883 tỷ đồng doanh thu trong 3 tháng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đóng góp lớn nhất là lãi từ cho vay và phải thu với gần 262 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ. Giá trị cho vay ký quỹ của công ty tiếp tục tăng hơn 500 tỷ đồng trong quý 2, nâng tổng dư nợ lên gần 10.000 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.557 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng 63% và hoàn thành gần 54% kế hoạch năm.
Tiên phong công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 trong nhóm xây dựng là CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (mã CII), với lãi sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là doanh thu của CII tăng bất chấp doanh thu giảm 17%, ở mức 899 tỷ đồng. Nguyên nhân là do biên lợi nhuận gộp tăng mạnh, từ 24% của quý 2/2023 lên 59%, nhờ giá vốn hàng bán giảm 55%.
Theo lý giải của CII, việc tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã giúp biên lợi nhuận gộp của công ty cải thiện. CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trở thành công ty con của CII từ quý 4/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng và lãi sau thuế 452 tỷ đồng, giảm nhẹ ở chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận tăng gấp 3,8 lần. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 274 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ; hoàn thành gần 64% kế hoạch năm.
CTCP Đầu tư Cầu đường CII (mã LGC) - công ty con của CII cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với những con số khả quan. Công ty ghi nhận doanh thu 614 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 12 lần lên mức 176 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, LGC mang về lợi nhuận sau thuế 308 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với quý 2/2023; lãi ròng 240 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 1.284 tỷ doanh thu, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 498 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Lãi ròng thu về 365 tỷ đồng, gấp 4,4 lần.
LGC là chủ đầu tư các dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1, mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối liền tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Thuận...
Những doanh nghiệp đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh quý 2/2024 Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 đang đến gần. Một số doanh nghiệp hé lộ sớm cho thấy tình hình đã khởi sắc hơn. |
CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (mã CSV) - doanh nghiệp có cổ phiếu “gây sốt” trên sàn thời gian qua cũng mới hé lộ kết quả kinh doanh. Trong công văn gửi HoSE ngày 10/7 giải trình việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp, CSV cho biết đây là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Giá cổ phiếu CSV bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.
CSV ước tính 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt 832 tỷ đồng và 159 tỷ đồng. Tính ra trong quý 2/2024, công ty mang về 481 tỷ đồng doanh thu và 92 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lần lượt tăng 34% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, CSV đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.640 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 261 tỷ đồng; lần lượt tăng 3% và 13% so với kết quả năm 2023. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận "đi lùi" là CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR). Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2024 công bố ngày 10/7, lợi nhuận ròng của PHR đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của PHR sụt giảm mặc dù doanh thu vẫn tăng (đạt 186 tỷ đồng, tăng 10%) là do trong quý 2 năm ngoái, công ty có khoản thu nhập khác gần 70 tỷ đồng. Đây là khoản thu nhập đến từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, lợi nhuận bán đất Khu công nghiệp VSIP III.
Nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận gộp của PHR là 21 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 11,2%, cải thiện hơn cùng kỳ là 6,9%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PHR mang về 455 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt 29 tỷ đồng, giảm 89%. Biên lợi nhuận gộp đạt 9,6%, tăng 3,1%.
Một doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ là CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (mã HKB), với mức lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 18 liên tiếp công ty này báo lỗ.
Trong quý 2, doanh thu thuần của HKB đạt hơn 1,5 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ, tuy nhiên do giá vốn tăng nên lãi gộp chỉ đạt 579 triệu đồng, giảm 46%. Cộng thêm chi phí lãi vay 2,7 tỷ đồng, chi phí quản lý 12,8 tỷ đồng khiến công ty thua lỗ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HKB ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3 tỷ đồng và lỗ gần 30 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế lên tới hơn 415 tỷ đồng.
Theo giải trình của HKB, công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tổng nợ vay của công ty tại thời điểm cuối quý 2/2024 là hơn 100 tỷ đồng.
Lợi nhuận CII vẫn tăng trưởng dù doanh thu giảm, lỗ 20% với HUT |
Nhà đầu tư mạnh tay vay margin, MBS đạt lợi nhuận quý 2/2024 cao kỷ lục |
Lợi nhuận ngân hàng quý 2/2024: Cải thiện nhưng chưa rõ nét |