Chế biến sâu là con đường phát triển bền vững cho ngành hồ tiêu

Chế biến sâu là con đường phát triển bền vững cho ngành hồ tiêu

XUẤT KHẨU Hồ Tiêu
06:30 - 29/01/2023
Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên, chế biến sâu sẽ giúp ngành hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế.

Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 55% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới năm vừa qua. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 970,6 triệu USD với 228.000 tấn, tăng nhẹ 3% về trị giá và giảm 12% về lượng so với cùng kỳ năm 2021. Đây là năm có kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu cao nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, cùng với biến động của thế giới, nhu cầu suy giảm tại các thị trường chính trong năm qua đã tác động không nhỏ đến mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Sau 5 năm, ngành hồ tiêu vẫn chưa thể đạt lại kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD.

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của ngành hồ tiêu thời gian qua, Mekong ASEAN đã cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

Mekong ASEAN: Bà đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2022? Theo bà, đâu là điểm nhấn trong bức tranh xuất khẩu của ngành hồ tiêu Việt Nam trong năm 2022?

Bà Hoàng Thị Liên: Việt Nam hiện vẫn là thị trường sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Dù vậy, năm 2022 được nhận định là một năm khó khăn đối với ngành hồ tiêu do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu cũng như chính sách “Zero Covid” từ phía Trung Quốc.

Trong những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vẫn giữ được lượng ổn định với giá tốt, đặc biệt tại các thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6 trở đi, lượng xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, các yếu tố địa chính trị thế giới có nhiều biến động, gây ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả ngành.

Có thể nói rằng, năm 2022 khi hệ lụy của đại dịch Covid chưa hoàn toàn chấm dứt thì nền kinh tế thế giới lại tiếp tục phải hứng chịu thêm các bất ổn khác, làm ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới trong đó bao gồm ngành hồ tiêu.

Các yếu tố trên đã dần ảnh hưởng tới hồ tiêu thế giới, giá nội địa điều chỉnh từ mức gần 90.000 đồng/kg những tháng đầu năm đã giảm xuống còn khoảng 63.000 đồng/kg vào thời điểm giữa tháng 12/2022.

Mekong ASEAN: Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong tương lai, theo bà, cần có sự đóng góp của những yếu tố nào?

Chủ tịch Hoàng Thị Liên: Với năng lực chế biến đạt 140.000 tấn/năm như hiện nay, Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng cao hơn tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến hơn nữa so với tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30% như hiện nay.

Việc chuyển dịch từ xuất khẩu hàng nguyên liệu thô sang xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với nhóm hàng nông nghiệp. Việc gia tăng chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hoá sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị để tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu quốc gia của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Mặt khác, để ngành phát triển hơn trong tương lai, bên cạnh yêu cầu cần nâng cao tỷ lệ xuất khẩu tiêu đã qua chế biến, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững và đáp ứng được các yêu cầu về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường. Đồng thời, cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng phát triển thị trường như tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế.

Về phía Chính phủ, Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, cần tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các ngành hàng và các doanh nghiệp. Thương vụ Việt Nam tại các nước tiếp tục cập nhật các thông tin, chính sách thay đổi của các nước sở tại để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp.

Về phía người nông dân, cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Mekong ASEAN: Sau 5 năm, ngành hồ tiêu vẫn chưa lấy lại được mốc 1 tỷ USD xuất khẩu. Theo bà, cần làm gì để ngành đạt lại kết quả xuất khẩu này?

Chủ tịch Hoàng Thị Liên: Để tiếp tục củng cố và gia tăng giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp cần nỗ lực củng cố sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, tiếp tục mở rộng phát triển thị trường. Yêu cầu gia tăng về cả số lượng và chất lượng xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm kiếm thêm khách hàng mới, mở rộng thị trường.

Có thể nói rằng hoạt động xúc tiến thương mại luôn có vai trò rất quan trọng giúp nhà xuất khẩu tìm kiếm mở rộng thị trường. Việc duy trì sự hiện diện và tích cực tại các sự kiện quốc tế, ngành hàng sẽ là một kênh hữu ích giúp nhà xuất khẩu quảng bá cho hình ảnh của mình.

Ở quy mô quốc gia, việc duy trì quảng bá hình ảnh ngành hàng hồ tiêu tại các sự kiện thực phẩm lớn trên thế giới một cách bài bản, chuyên nghiệp sẽ góp phần giúp định vị hình ảnh và giá trị hồ tiêu Việt Nam tốt hơn về lâu dài.

Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bộ ngành đóng vai trò cần thiết để đồng hành tại các sự kiện xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu quốc gia.

Cần có các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu, các chính sách hỗ trợ ngành hàng phát triển đồng bộ như quy hoạch, nghiên cứu phát triển giống, công tác thống kê…

Từ các yếu tố trên mới có thể đưa ngành hồ tiêu Việt Nam quay trở lại mốc xuất khẩu tỷ USD góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh.

Mekong ASEAN: Theo bà, triển vọng phát triển ngành hồ tiêu trong năm 2023 sẽ diễn ra như thế nào?

Bà Hoàng Thị Liên: Năm 2022, giá hồ tiêu giảm đã tác động tới đời sống người nông dân, nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang. Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc, giá nhân công tăng cao càng làm cho việc sản xuất của nông dân và doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Dù vậy, năm 2022, giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vẫn tương đương năm 2021. Điều này cho thấy sự cố gắng nỗ lực lớn và quyết tâm của cả ngành hồ tiêu Việt Nam để duy trì vị thế là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.

Bước sang năm 2023, dự báo xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tạm lắng.

Tuy nhiên, việc thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn đã tạm mở cửa trở lại, sức tiêu dùng thị trường lớn với quy mô dân số toàn cầu đã đạt 8 tỷ, hàng tồn lưu kho tích luỹ tại các nước nhập khẩu từ những năm trước đã không còn nhiều giúp củng cố yếu tố hỗ trợ phục hồi thị trường trong năm 2023.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Đọc tiếp