Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm giảm mạnh

Công nghiệp GSO
17:25 - 29/01/2023
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm giảm mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm.

Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm, theo Tổng cục Thống kê (GSO).

Đây là mức giảm khá mạnh và nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ việc Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Một nguyên nhân khác cũng đã được chỉ ra là số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2023. Xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV/2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm. Sản xuất công nghiệp cũng đã chậm lại từ quý IV/2022.

Chỉ số sản xuất tháng 01/2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm lớn nhất là 27,1% thuộc về ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy). Kế đó là ngành sản xuất xe có động cơ giảm 23,9% và ngành sản xuất trang phục giảm 21%.

Trong khi đó, một số ngành khác vẫn duy trì mức tăng IPP như ngành sản xuất đồ uống đạt 17,5%. Ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,9%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 3,8%.

Xét theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương khác trên phạm vi cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện.

Trong đó, mức giảm nhiều nhất của chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2023 là của Quảng Nam, giảm 47%. Hà Giang giảm 32% và Sóc Trăng giảm 31%... chủ yếu do thiếu đơn hàng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Ngược lại, Tuyên Quang dẫn đầu về nhóm địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, với mức tăng 34,5%, cao gấp hơn 3 lần địa phương đứng thứ 2 là Hậu Giang (tăng 10,5%).

Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số giảm sâu tại Hòa Bình (giảm 27,5%), Đồng Nai (giảm 14%), Quảng Nam (giảm 13,5%) và Tây Ninh (giảm 7,9%). Và tăng tại các địa phương như Hậu Giang (gấp 3,2 lần), Quảng Trị (tăng 46,7%), Điện Biên (tăng 26,2%)...

Cùng với mức giảm chung toàn ngành, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 1/2023 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như khí hóa lỏng LPG giảm 33,3%; xe máy giảm 32,1%; ô tô giảm 31,7%; thép thanh, thép góc giảm 26,2%...

Ngoài ra, một số sản phẩm vẫn tăng so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng của ngành sản xuất, sản phẩm bia vẫn giữ được mức tăng 2 con số, đạt 15,5%. Kế đó là sữa bột tăng 10,8%; nước máy thương phẩm tăng 5,9%...

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2023 giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Quách Sơn.

9 nhóm hàng đẩy CPI tháng 2/2024 tăng 1,04%

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rơi vào tháng 2/2024 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cùng với đó, giá gạo, giá xăng dầu, giá gas tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng 1,04% so với tháng trước.