Ngày 21/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh.
Nghị quyết đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn, trong trung và dài hạn. Qua đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp chính trong ngắn hạn, Chính phủ đề ra 4 nhóm, cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Thứ tư, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ưu đãi
Đối với nhiệm vụ này, Chính phủ giao Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được các cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan đối tác nước ngoài đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, nhà cung cấp nguồn cung nguyên nhiên phụ liệu đầu vào.
Bộ Công Thương được yêu cầu tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chỉ đạo hệ thống Thương vụ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác và thâm nhập thị trường nước ngoài, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, mở rộng thị trường trong nước.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.
Về phía Bộ Xây dựng, Chính phủ giao phối hợp với UBND các địa phương đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường bất động sản và việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.
Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có giải pháp giảm chi phí cước vận tải biển quốc tế cho doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Nghị quyết của Chính phủ đề ra các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025:
- Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
- Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
- Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
- 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số
- Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới
- 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo