“Chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần đi nhanh hơn”

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
11:01 - 13/04/2022
Bà Hoàng Thị Anh Minh, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Qair Việt Nam
Bà Hoàng Thị Anh Minh, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Qair Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện của Qair Việt Nam, đối với các nhà đầu tư luôn cần một chính sách có tính ổn định và kịp thời, tuy nhiên thì hiện nay sự phát triển của năng lượng tái tạo đang đi nhanh hơn chính sách.

Tập đoàn Qair là một IPP (Independent Power Producer) có gần 30 năm phát triển về năng lượng ở nhiều nước trên thế giới, trụ sở chính tại Pháp và hiện đầu tư tại 17 quốc gia. Thị trường lớn nhất mà tập đoàn này phát triển trong những năm qua là tại Châu Âu và Nam Mỹ với đa dạng các công nghệ khác nhau, gồm có điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện gió ngoài khơi nổi, thủy điện, điện sinh thái và Hydrogen.

Tại Châu Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Qair có mặt và đặt kế hoạch đầu tư lâu dài. Qair đã bắt đầu tìm hiểu thị trường NLTT Việt Nam từ năm 2017 và chính thức mua dự án Cát Hiệp 50MWp giữa năm 2018 để xây dựng và đã hoàn thành vận hành thương mại (COD) tháng 6/2019, hưởng giá FiT 1.

Trao đổi với Mekong Asean bên lề Hội nghị Tương lai Năng lượng mặt trời Việt Nam 2022 (Solar Energy Future Vietnam 2022) tổ chức tại TP HCM ngày 12-13/4/2022, bà Hoàng Thị Anh Minh, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Qair Việt Nam cho biết, thời gian qua Qair cũng đã hợp tác với nhiều các nhà phát triển trong nước và tới nay đã có khoảng gần 1GW các dự án đang phát triển trong danh mục đầu tư sắp tới.

Mekong Asean: Bà nhận định thế nào về tiềm năng của ngành năng lượng mặt trời, nhất là năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam?

Việt Nam là quốc gia nằm gần xích đạo, khu vực nhiệt đới và là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất năm trên bản đồ bức xạ của Thế giới. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam có trung bình 1.600 - 2.700 giờ nắng trong năm và bức xạ trực tiếp trong khoảng từ 4-5kWh trên mỗi mét vuông một ngày. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá, tiềm năng có thể khai thác cho sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời tại Việt Nam về mặt lý thuyết có thể đạt 385.5GW.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam đạt khoảng 16.5 GW, chiếm khoảng 21.5% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống. Điều này khiến cho Việt Nam lọt vào Top 10 các quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, chiếm tới 2.3% toàn cầu, bên cạnh các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức,...

Tính riêng về năng lượng mặt trời áp mái, tính đến hết 2021, cả nước có khoảng 7.6GW chiếm tới 46% tổng công suất đã lắp đặt của điện mặt trời.

Có 2 lý do khiến năng lượng mặt trời áp mái phát triển nhanh: (1) xu hướng giảm chi phí giá thành đầu tư cho công nghệ điện mặt trời, đặc biệt là chi phí các mô-đun điện mặt trời (tấm pin mặt trời); (2) điện mặt trời mái nhà có tổng mức đầu tư thấp, dễ dàng thương mại hóa và trở thành một giải pháp kinh doanh phổ biến đối với các khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình.

Mekong Asean: Chính sách thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam vào năng lượng tái tạo có điểm gì khác so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

Trong những năm vừa qua, Việt Nam cũng có khá nhiều các chính sách khuyến khích đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn vào điện mặt trời, bao gồm các lợi ích tài chính đến từ giá mua điện hấp dẫn theo chính sách Feed-in-tariff (FiT), hợp đồng mua bán điện giá cố định có thời hạn 20 năm, điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng còn nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ như, áp dụng thuế suất 0% trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo...

Ngoài ra, điện mặt trời áp mái có thể lựa chọn hình thức bán điện cho EVN thông qua Hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc bán điện cho tư nhân bằng các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Đây là một lợi thế rất lớn khiến cho việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà trở nên sôi động và hấp dẫn trong những năm gần đây.

Cuối năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính về mục tiêu “NET ZERO”(hay mục tiêu phát thải ròng bằng “0”) của Việt Nam vào năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng với các nhà đầu tư xét trên khía cạnh cam kết của Chính phủ. Đây được xem là nhân tố cốt yếu và quan trọng biến Việt Nam trở thành môi trường đầu tư ổn định về phát triển bền vững.

Ngoài ra, những lợi thế về đông dân cư, chi phí lao động thấp, dân số trẻ, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm cao, nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn... cũng là những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và năng lượng bền vững nói riêng tại Việt Nam.

Mekong Asean: Việc thu mua điện năng lượng mặt trời áp dụng giá FIT có giúp ngành này cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác hay không?

Theo quan điểm của tôi, cơ chế giá FiT có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển của ngành năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng, giúp định hướng vốn đầu tư nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ.

Việc chuyển dịch vốn đầu tư vào NLTT đã giúp cho các nhà đầu tư trong nước có cơ hội được tiếp cận với kinh nghiệm quản lý, phát triển, xây dựng và vận hành các dự án điện từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thế giới, cũng như cơ hội đào tạo một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Đây là những lợi thế cạnh tranh ban đầu, là nền tảng giúp cho Việt Nam có được lộ trình vững vàng hơn trong mục tiêu phát triển bền vững về năng lượng sau này.

Điều này cũng giúp cho NLTT, bao gồm cả năng lượng gió, trở nên hấp dẫn và thu hút quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế so với các loại hình năng lượng khác.

Mekong Asean: Về khó khăn thì sao, thưa bà?

Đối với các nhà đầu tư luôn cần một chính sách có tính ổn định và kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của NLTT đang đi nhanh hơn so với chính sách, như Quy hoạch điện VIII dự kiến phê duyệt và công bố quý IV/2021 nhưng tới nay đầu quý II/2022 vẫn chưa được công bố.

Chính sách giá sau FiT cũng chưa được làm rõ, từ sau ngày 31/12/2020 với điện mặt trời trang trại và điện mặt trời mái nhà. Chính sách thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA cho giai đoạn 2021-2023 với công suất khoảng 1.000MW tới nay chưa có cơ chế rõ ràng.

Tất cả những chậm trễ về mặt chính sách này khiến doanh nghiệp như chúng tôi khá bị động trong việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh lâu dài và ổn định.

Thứ hai, quá tải lưới điện nhiều khu vực và tỉnh thành dẫn đến việc cắt giảm điện lưới trong giờ cao điểm gây những tổn thất lớn cho nhà đầu tư trong quá trình vận hành, từ đó kế hoạch mở rộng cho những danh mục đầu tư lớn bị thiếu tính ổn định, không chắc chắn và khó đánh giá hoặc cần nhiều thời gian hơn để đánh giá, cũng như gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài với nhà phát triển trong nước khi xây dựng mục tiêu phát triển hai bên cùng có lợi.

Nếu Chính phủ có những chính sách phát triển lưới điện phù hợp với nguồn điện để tránh việc quá tải, hay cơ chế giá khuyến khích cho các dự án NLTT tại các tỉnh phía Bắc so với các tỉnh miền Trung và Nam bộ để cân đối đường truyền, hoặc kế hoạch phát triển lưới điện được công bố công khai sẽ có ý nghĩa rất lớn với các nhà đầu trong việc xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn, nhằm giúp cho việc đầu tư trọng tâm và tránh lãng phí.

Thứ ba, các hạn chế về Hợp đồng mua bán điện, mà các đối tác cấp vốn quốc tế thường gọi là “unbankable” hay thiếu cam kết, cũng khiến cho việc kêu gọi tài trợ vốn cho các dự án NLTT giảm đi tính hấp dẫn.

Đối với các dự án điện gió, một số hình thức đảm bảo ECA (tức Export Credit Agency) được áp dụng đối với thiết bị quạt gió (turbine), nhưng đối với các dự án điện mặt trời, các hình thức đảm bảo tín dụng tương tự khó khăn hơn trong việc tìm và thu xếp nguồn vốn quốc tế cho các dự án có quy mô lớn.

Thứ tư, bên cạnh những khó khăn chung nói trên, việc không có sự thống nhất chung khi thực tế làm việc với các tỉnh thành để phát triển các dự án từ ban đầu (dưới dạng greenfield) là rất khó, dường như không khả thi với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi thường phải kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Mô hình kết hợp này cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc hiểu nhu cầu của nhau, văn hóa làm việc và các kỳ vọng, dẫn đến những khó khăn trong việc trao đổi thông tin và mất nhiều thời gian hơn.

Mekong Asean: Về chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình hiện nay đang ở mức độ nào và có phù hợp với thu nhập của người Việt?

Hiện nay, các chuyên gia gợi ý cho các hộ gia đình muốn lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể xem xét các mức công suất khoảng 1kWp, 3kWp, 5 kWp và 10kWp với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng, không bán điện hoặc chỉ bán điện một phần cho nhà nước.

Với mức từ 1-3kWp nếu chỉ để thắp sáng và sử dụng cho một số thiết bị không thường xuyên như điều hòa, tivi hoặc kết hợp với điện lưới trong một số tình huống cụ thể. Với mức này chi phí đầu tư có thể khoảng từ 20-30 triệu đồng cho hệ thống tấm pin, biến tần, bộ điều khiển sạc và ắc-qui lưu trữ. Mức đầu tư này không quá nặng gánh đối với một hộ gia đình.

Mức từ 5-10kWp phù hợp hơn với các gia đình có hóa đơn điện hàng tháng từ 2 triệu đồng trở lên. Chi phí đầu tư cho hệ thống này có thể từ 50-100 triệu đồng.

Đối với những hộ gia đình sử dụng không hết và có nhu cầu bán lại cho nhà nước, theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg quy định mức giá mua điện áp dụng cho các dự án điện mặt trời áp mái nối lưới đưa vào vận hành thương mại đến hết ngày 31/12/2020 là 8.38 cent/kWh (tương đương khoảng 1.927 đồng/kWh). Sau thời gian này chưa có giá mua điện mới.

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc khuyến khích điện mặt trời áp mái cho mục đích tự dùng có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu giảm phát thải, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường cũng như giảm quá tải đường dây.

Cần thiết tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà và cơ chế mua điện đối với sản lượng điện không dùng hết cho hộ gia đình, nhưng cũng cần có những chính sách quản lý phù hợp để tránh việc lắp đặt điện mặt trời áp mái chỉ nhằm mục đích bán điện. Điều này sẽ góp phần vào định hướng phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn bà.

Đọc tiếp