Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/6, giá dầu Brent giảm 0,27% xuống 84,2 USD/thùng và giá dầu WTI giảm 0,36% xuống 80,61 USD.
Tuy nhiên, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần tăng mạnh thứ hai liên tiếp. Tính chung trong tuần qua, cả 2 loại dầu chuẩn là dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 3%.
Còn tại thị trường Singapore, tại kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước đó nhưng mức tăng không quá lớn. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 26/6, giá xăng RON 92 đứng ở mức 93,88 USD/thùng, tăng 2,41 USD; giá xăng RON 95 ở mức 99,20 USD/thùng, tăng 2,45 USD; giá dầu diesel ở mức 104,44 USD/thùng, tăng 1,98 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 20/6).
Dựa trên diễn biến giá thế giới, dự báo trong kỳ điều hành chiều ngày 27/6, giá xăng trong nước có khả năng tăng khoảng 450-600 đồng/lít; còn giá dầu dự kiến tăng 290 - 350 đồng/lít,kg. Trường hợp cơ quản quản lý chi Quỹ bình ổn thì mức tăng có thể ít hơn.
Nếu dự báo trên là đúng, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 3 liên tiếp. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 25 phiên điều chỉnh, trong đó có 10 phiên giảm, 12 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Tại kỳ điều hành giá gần nhất ngày 20/6, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 198 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 21.508 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 231 đồng, giá bán mới là 22.466 đồng/lít.
Như vậy, phiên tăng thứ hai liên tiếp đã đẩy giá xăng RON 95 tiến gần mốc 23.000 đồng/lít. Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng, với dầu diesel tăng mạnh 720 đồng, giá bán mới là 20.360 đồng/lít; dầu hỏa tăng 497 đồng, giá bán mới là 20.356 đồng/lít; dầu mazut tăng ít nhất, ở mức 334 đồng, giá bán không cao hơn 17.223 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều hành chiều 20/6, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.