Tàu AMANI cập cảng LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS. |
Tàu AMANI cập bến Kho cảng LNG Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào lúc 10h ngày 12/6, ghi nhận sự kiện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đón chuyến tàu LNG thứ 5 đến Việt Nam, tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng LNG duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay, với mục đích phục vụ nhu cầu sản xuất điện và sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa PV GAS, các đơn vị liên quan và các cơ quan chức năng, quá trình tiếp nhận tàu LNG diễn ra an toàn, hiệu quả và đúng theo kế hoạch đề ra. Sau khi Tàu AMANI cập cảng LNG Thị Vải, các bước đầu nối và bơm hàng, đưa LNG về kho chứa được tiến hành.
Việc tiếp nhận chuyến tàu LNG này lần nữa khẳng định vị thế tiên phong của PV GAS trong lĩnh vực nhập khẩu và cung cấp khí tái hóa từ LNG tại Việt Nam. PV GAS cam kết tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng LNG, đa dạng hóa nguồn cung khí LNG và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần đưa Việt Nam trở thành một thị trường LNG năng động và phát triển trong khu vực.
Trong những năm gần đây, PV GAS tích cực và nỗ lực trên hành trình chuyển đổi năng lượng xanh bằng các hoạt động, sự kiện ấn tượng như: trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất kinh doanh LNG tại Việt Nam, hoàn thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 MMTPA Thị Vải, chính thức cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp, triển khai kế hoạch phát triển các kho LNG trên cả nước...
Tính đến tháng 6/2024, PV GAS đã nhập khẩu thành công 5 chuyến tàu LNG với tổng khối lượng hơn 300.000 tấn LNG, trong đó chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024.
Trong tương lai, PV GAS sẽ hướng tới kinh doanh và phát triển các sản phẩm LNG mới như tiếp tục gói giải pháp năng lượng tối ưu với mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG; thực hiện mô hình kho cảng trung tâm; phát triển các sản phẩm chế biến khí cung cấp nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, các sản phẩm năng lượng xanh hydrogen và ammonia và thu hồi carbon (CCS) từ các nguồn phát thải để đáp ứng nhu cầu trong định hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, tham gia thực hiện mục tiêu Net Zero như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.