TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia.

Chính sách tiền tệ Việt Nam trước biến số kinh tế toàn cầu

tiền tệ CHÍNH SÁCH
08:57 - 14/02/2024
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng một lúc phải cáng đáng nhiều mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát được Quốc hội đề ra từ đầu năm.

NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NĂM 2023

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia đánh giá, 2023 có thể coi là một năm thành công của chính sách tiền tệ với việc theo đuổi mục tiêu chủ yếu là chống lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, trong bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp.

Hầu hết các Ngân hàng Trung ương trên thế giới buộc phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đối phó với lạm phát cao và sự tăng giá mạnh của đồng USD. Chính sách lãi suất cao trong bối cảnh cầu tiêu dùng và đầu tư suy giảm cũng là nguyên nhân của cơn bão thanh khoản lan rộng.

Bão thanh khoản cũng khiến cho nhiều ngân hàng lớn và trung bình ở Mỹ, Châu Âu phá sản, hệ thống trái phiếu doanh nghiệp ở nhiều nước Đông Á gặp rủi ro lớn.

Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh và một số nền kinh tế đã bên bờ vực suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên từ quý 3/2023, kinh tế thế giới có dấu hiệu vượt qua đáy, nguy cơ suy thoái và bão thanh khoản yếu dần. Lạm phát toàn cầu giảm khá nhanh từ 9 – 10% xuống mức 3%. Giá cả của nhóm hàng hóa nhạy cảm như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và vật liệu cơ bản khá ổn định cũng là đóng góp quan trọng trong làm giảm lạm phát chi phí đẩy toàn cầu.

Tại Việt Nam, trên số liệu thống kê, lạm phát năm 2023 chỉ ở mức 3,25% là mức khá an toàn so với các nước trong khu vực và thấp hơn so với kế hoạch Quốc hội phê duyệt đầu năm (4 – 4,5%), là một trong các yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì lòng tin đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đạt được kết quả này, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, có cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố khách quan đến từ lạm phát toàn cầu giảm mạnh, giá nhiên liệu và lương thực thế giới về cơ bản ổn định. Đồng USD giảm giá làm giảm mạnh áp lực tỷ giá hối đoái và giá hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Yếu tố chủ quan của thành công là do Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, sử dụng hiệu quả công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với nhu cầu thực tế của tăng trưởng kinh tế.

Từ đầu năm NHNN đã kích hoạt thị trường mở hoạt động khá linh hoạt tạo điều kiện cho thị trường liên ngân hàng sôi động trở lại, trên cơ sở đó duy trì vững chắc thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành khi áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp khó khăn. Trên cơ sở đó các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động và tiến tới giảm lãi suất cho vay đồng loạt. Mức lãi suất tiền gửi và cho vay hiện tại là mức thấp nhất và kéo dài nhất trong vòng 30 năm qua.

Từ nửa cuối quý 3 và nửa đầu quý 4/2023, chỉ số Dollar (USD Index) có dấu hiệu tăng trở lại từ 100,3 lên 103, trong điều kiện dư thừa thanh khoản ở các ngân hàng thương mại. NHNN đã chủ động phát hành hơn 360.000 tỷ đồng tín phiếu ngân hàng trung ương kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất.

Biện pháp này đã giúp giảm mạnh áp lực tỷ giá hối đoái, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp và đầu tư trên thị trường chứng khoán, đồng thời cũng giảm bớt dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại. Đây cũng là động thái phòng ngừa rủi ro lạm phát có thể quay lại nếu tỷ giá hối đoái biến động tăng, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Với tất cả các biện pháp chủ yếu nói trên, tỷ giá hối đoái VND/USD cả năm 2023 chỉ tăng 3% (tương đương với lạm phát) cũng là mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á.

BỐI CẢNH KINH TẾ NHIỀU BIẾN ĐỘNG TRÁI CHIỀU

Năm 2024, thị trường tài chính toàn cầu đang kỳ vọng chính sách duy trì lãi suất cao của các ngân hàng trung ương sẽ kết thúc vào cuối quý 1/2024 và bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự báo cuối năm 2024 lạm phát toàn cầu sẽ trở về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 12/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như các nhà hoạch định chính sách ở Anh, Nhật Bản, Australia, Canada và Thụy Sỹ đã chọn giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp. Chính sách xoay trục ôn hòa của ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã khiến thị trường kỳ vọng nhiều hơn rằng lãi suất sẽ giảm nhanh hơn và sớm hơn dự đoán trước đó.

Về tăng trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong dự báo mới nhất hồi tháng 10/2023 về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đánh giá, tính bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống đáng kể so với hồi đầu năm 2023. Tuy nhiên, các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át các động lực tăng tốc của các nền kinh tế trong năm 2024.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hồi tháng 11/2023 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 sẽ chỉ đạt 2,7%, thấp hơn so với mức ước tính 2,9% của năm 2023. Tuy nhiên, tổ chức này nhận định kinh tế toàn cầu có thể “hạ cánh mềm”, đặc biệt là tại các nước phát triển, thay vì rơi vào suy thoái như các lo ngại trước đây.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 đạt 1,5% (so với mức ước tính 2,4% của năm 2023). Nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, và tăng trưởng việc làm tại Mỹ được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn kể từ nửa cuối năm 2024 khi lạm phát hạ nhiệt, thúc đẩy Fed có động thái giảm lãi suất.

Đối với Trung Quốc, kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhưng sẽ chững lại sau 30 năm thăng hoa. Người dân Trung Quốc có thể tiếp tục hạn chế chi tiêu, xuất khẩu sẽ ở mức yếu khi nhu cầu toàn cầu vẫn ảm đạm. Đồng thời, thị trường bất động sản của nước này vẫn trong quá trình phục hồi.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone trong năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt mức 0,9% trên mức nền thấp của năm 2023 (ước tính 0,7%). Động lực tăng trưởng chủ yếu đến việc người tiêu dùng tăng chi tiêu khi tiền lương tăng nhưng lạm phát giảm dần. Tuy nhiên, OECD lưu ý, nền kinh tế Eurozone vẫn dễ bị tổn thương nếu giá năng lượng và các loại hàng hóa tăng cao trở lại.

Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu trong cả năm 2024 sẽ giảm từ gần 9% xuống dưới 6% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước công nghiệp và đang phát triển đã giảm sâu trong năm 2023. Tuy nhiên, năm 2024, Mỹ và châu Âu sẽ cần ít nhất đến năm 2025 để đưa tỷ lệ lạm phát xuống gần với mức mục tiêu 2%.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Nhìn tới những diễn biến tài chính tiền tệ toàn cầu, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng 15% như NHNN đã công bố và tăng GDP khoảng 6 – 6,5%, có thể dự báo chính sách tiền tệ về cơ bản vẫn như năm 2023 và có nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024.

Theo đó, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4-4,5%. Lãi suất ổn định ở mức thấp kéo dài. Tỷ giá hối đoái có thể chỉ tăng 2 -3% do đồng USD sẽ giảm giá khi lãi suất Fed giảm. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể được cải thiện, bớt dư thừa. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn và thanh khoản của nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nếu công cuộc cơ cấu lại thị trường vẫn ì ạch.

Với góc nhìn trên, TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý một số hàm ý trong điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2024:

Thứ nhất, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong trường hợp áp lực tỷ giá năm 2024 không quá lớn, NHNN có cơ hội để nên cân nhắc gia tăng thêm quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN cần rất thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nên lãi suất giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. Trong khi phải hiểu, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu của nền kinh tế yếu.

Thứ ba, cần nỗ lực kiểm soát và tăng cường xử lý các khoản nợ xấu. Với nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng, các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, NHNN cần nghiên cứu các chính sách giảm áp lực từ nợ xấu đang đe dọa.

Nói chung, chính sách tiền tệ năm 2024 vẫn tập trung vào "ổn định giá", các mục tiêu phái sinh khác như tăng trưởng, việc làm phải trên nền tảng cấu trúc lại thị trường tài sản và cấu trúc lại nền kinh tế xanh, bền vững theo xu thế toàn cầu.

"Cũng phải hiểu, chính sách tiền tệ không phải cây đũa thần, việc điều hành cân bằng tỷ giá - lãi suất - cung tiền hay kiểm soát lạm phát - tăng trưởng là mong muốn, nhưng trước những biến động cũng cần linh hoạt trong việc lựa chọn ưu tiên. Về lâu dài, chính sách tiền tệ nên giữ vững sợi chỉ đỏ theo đuổi mục tiêu lạm phát. Việc vay mượn tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ phải trả giá bằng lạm phát gia tăng trong tương lai", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Đọc tiếp