Chống hàng giả bằng truyền thông 'mưa dầm thấm lâu'

Chống hàng giả bằng truyền thông 'mưa dầm thấm lâu'

THỊ TRƯỜNG quản lý
07:30 - 22/06/2023
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh chia sẻ với Mekong ASEAN về những biện pháp truyền thông để người tiêu dùng nói không với hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận truyền thông.

Người tiêu dùng còn thỏa hiệp với hàng giả

Mekong ASEAN: Thực trạng hàng giả, hàng nhái là vấn đề nhức nhối, từ góc nhìn của người đứng đầu ngành quản lý thị trường, xin ông chia sẻ về những hệ lụy của thực trạng này tới niềm tin, tâm lý người tiêu dùng?

Ông Trần Hữu Linh: Hiện nay, hàng giả trên thị trường đến từ hai nguồn là thẩm lậu bên ngoài vào và được sản xuất trong nội địa. Với nguồn từ bên ngoài vào, do vị trí đặc thù của Việt Nam tiếp giáp với nhiều nước, nên hàng giả dễ bị đưa vào từ các nước lân cận, trong đó 3/4 là đồ gia dụng, quần áo, giày dép.

Đối với nguồn sản xuất tại thị trường trong nước, các loại hàng giả có chủng loại rất đa dạng, tinh vi và phổ biến. Bên cạnh các đồ gia dụng còn có các hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng như thuốc, thực phẩm chức năng, xăng dầu.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng do mua bán trao đổi bị hạn chế, hàng hóa bị tồn đọng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trước đây, tình trạng này chỉ diễn ra nhiều tại các thành phố lớn nhưng hiện nay do giao thông thuận tiện thì hàng giả, hàng nhập lậu đã lan tỏa ở cả 63 tỉnh/thành. Đặc biệt, với sự xuất hiện của môi trường thương mại điện tử, việc ngăn chặn hàng nhập lậu càng khó kiểm soát hơn.

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều kho hàng lậu.

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều kho hàng lậu.

Nguyên nhân hàng giả, hàng nhập lậu xuất hiện dù được lực lượng chức năng nỗ lực ngăn chặn cần nhìn từ cả phía người bán và người mua. Người bán ham lợi nhuận cao nên tự sản xuất hoặc nhập hàng giả về bán, với nhiều công nghệ tinh vi mà mắt thường không nhận biết được.

Tâm lý người mua cũng là một nguyên nhân quan trọng. Do mức sống người dân thấp, tâm lý sính hàng có thương hiệu, lại chuộng giá rẻ nên người tiêu dùng dễ thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái.

Cùng với lực lượng quản lý thị trường, nhiều lực lượng phòng chống hàng giả từ biên phòng, hải quan ở tuyến đầu đã có những nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực và chế tài xử lý đôi khi chưa đủ sức răn đe, trong những năm qua, người dân Việt Nam vẫn phải sống chung với hàng giả tỷ lệ tương đối cao.

Phản ứng kịp thời trước những thủ đoạn mới

Mekong ASEAN: Kể từ thời điểm lực lượng quản lý thị trường chính thức hoạt động theo mô hình ngành dọc đến nay, những điểm đổi mới mang tính đột phá của ngành khi đồng hành cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng là gì, thưa ông?

Ông Trần Hữu Linh: Tổng cục Quản lý thị trường thay đổi mô hình tổ chức từ tháng 8/2018, nhằm phản ứng kịp thời với phương thức, thủ đoạn mới của hàng giả trong những năm gần đây.

Cụ thể, Tổng cục đã tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn. Đối với người bán, lực lượng quản lý thị trường tiến hành các đợt thanh tra gắt gao, xử phạt nghiêm. Nhiều kho hàng giả số lượng lớn đã được phát hiện, xử lý ở Móng Cái, Quảng Ninh năm 2019 hay ở Lào Cai năm 2020.

Đối với người tiêu dùng, quá trình này khó khăn hơn rất nhiều. Để thay đổi nhận thức hành vi người tiêu dùng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, “mưa dầm thấm lâu” giúp họ ý thức được sự nguy hiểm từ việc sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu.

Một trong số những hệ lụy nguy hiểm của hàng giả là xói mòn năng lực các doanh nghiệp làm ăn chân chính, dung túng cho việc cạnh tranh không bình đẳng. Đối với người tiêu dùng, quần áo, giày dép, đồ gia dụng có thể không tác động trực tiếp, nhưng thực phẩm chức năng, đồ ăn, thuốc… thì ảnh hưởng khôn lường đến giống nòi.

Để giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở nhiều phòng trưng bày chuyên đề. Ngay trong tháng 6, tại phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có Chương trình “Nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em”.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng có nhiều kế hoạch tấn công vào các mặt trận phổ biến, các tụ điểm thành phố lớn. Phối hợp với lực lượng công an, hải quan để xử lý hình sự các sự vụ nghiêm trọng.

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường đang trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch phòng chống hàng giả trên mặt trận thương mại điện tử. Năm 2025, mặt trận nóng bỏng này sẽ là mục tiêu triệt phá của lực lượng quản lý thị trường.

Truyền thông là mặt trận song hành ngăn chặn hàng giả

Mekong ASEAN: Tổng cục trưởng có thể chia sẻ về trăn trở lớn nhất trong việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng của lực lượng quản lý thị trường?

Ông Trần Hữu Linh: Trăn trở lớn nhất của tôi là làm thế nào để người tiêu dùng có thể dứt khoát nói không với hàng giả. Đây là cái gốc vấn đề. Ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, người dân có ý thức sử dụng hàng nội địa rất cao.

Việt Nam là thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nhưng hàng hóa nội địa tiêu thụ được còn ít. Vậy hàng hóa nội địa Việt Nam cần đáp ứng các yếu tố nào để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của chính người Việt.

Trước tiên là cần có giá rẻ, phù hợp với mức sống của người dân, kể cả những người thu nhập thấp. Tại sao Việt Nam vẫn chưa làm được các sản phẩm “made in Vietnam” có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú.

Ví dụ một chiếc áo sơ mi cần có những mặt hàng dao động từ 50.00 - 100.000/chiếc đồng để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, kể cả vùng khó khăn. Điều này Trung Quốc đã làm được, áo phông, áo sơ mi của nước này nhập vào Việt Nam bán phổ biến ngoài chợ giá rẻ, bền và đa dạng mẫu mã.

Trong khi đó, áo sơ mi của các nhãn hàng Việt Nam thường dao động ở mức cao 800.000 – 1.000.000 đồng thì làm sao quảng đại người dân có thể mua được?

Các chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi nhận thức người tiêu dùng, bởi vấn đề cốt lõi là chi phí tiêu dùng hàng nội địa vẫn chưa tương xứng với mức sống người dân. Đây là yếu tố quan trọng nhất.

Mekong ASEAN: Theo ông, báo chí có vai trò như thế nào trong việc đồng hành cùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh chống hàng giả, gây dựng niềm tin xã hội?

Ông Trần Hữu Linh: Báo chí có vai trò và trách nhiệm cực kỳ quan trọng trong tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Cần tuyên truyền như thế nào để người dân họ hiểu dùng hàng Việt Nam là biểu hiện của lòng yêu nước, kiên quyết không thỏa hiệp với hàng giả.

Đây là một chặng đường dài cần sự đồng hành xuyên suốt của các cơ quan báo chí, truyền thông với lực lượng quản lý thị trường. Truyền thông là một mặt trận song song đi cùng với các chiến dịch càn quét hàng giả.

Tổng cục Quản lý thị trường đã kết nối với các cơ quan báo chí đưa tin về nhiều vụ việc bắt giữ hàng giả, hàng nhập lậu để răn đe các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, đồng thời định hướng người tiêu dùng. Phòng chống hàng giả không phải trách nhiệm của riêng một đơn vị nào mà cần sự đồng thuận, chung tay của cả cộng đồng.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp