Mở 50 điểm cầu xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà với các doanh nghiệp nước ngoài

Vải thiều Hải Dương
16:53 - 30/04/2024
Quả vải thiều Thanh Hà không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đang tiếp tục chinh phục các thị trường cao cấp. Ảnh tư liệu minh họa - Mekong ASEAN.
Quả vải thiều Thanh Hà không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đang tiếp tục chinh phục các thị trường cao cấp. Ảnh tư liệu minh họa - Mekong ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua từ nước ngoài sẽ diễn ra ngày 9/5 với gần 50 điểm cầu trong và ngoài nước.

Thông tin với Mekong ASEAN, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, hội nghị do Sở Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và UBND huyện Thanh Hà phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu nước ngoài.

Kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, sự kiện được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh vải thiều của Thanh Hà nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phát triển thị trường đã có, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Năm 2024, Hải Dương có 8.850 ha vải. Trong đó có 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ. Riêng diện tích vải sớm của huyện Thanh Hà là 1.700 ha gồm vải u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, tàu lai. Ảnh tư liệu minh họa.

Năm 2024, Hải Dương có 8.850 ha vải. Trong đó có 2.700 ha vải sớm và 6.150 ha vải thiều chính vụ. Riêng diện tích vải sớm của huyện Thanh Hà là 1.700 ha gồm vải u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, tàu lai. Ảnh tư liệu minh họa.

Đồng thời, qua đây, các đơn vị, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu của thị trường nước ngoài để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh.

Bên cạnh đó, hội nghị xúc tiến sẽ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về vải thiều và các loại hàng hóa, nông sản của tỉnh Hải Dương; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.

Theo kế hoạch, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức từ 13h30’ ngày 9/5 tại Hội trường UBND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và tại các điểm cầu trực tuyến của Thương vụ Việt Nam, với các doanh nghiệp nhập khẩu tại nước ngoài.

Tại điểm cầu nước ngoài, dự kiến có 6 - 8 điểm cầu chính tham gia tham luận; 30 - 40 điểm cầu phụ tham dự hội nghị, với khoảng 90 - 100 đại biểu. Trong đó bao gồm đại diện một số Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, các nhà nhập khẩu, thu mua nông sản tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ và một số nước khu vực Trung Đông…

Sản lượng vải sớm Thanh Hà năm nay ước đạt 35.000 - 40.000 tấn. Ảnh tư liệu minh họa.

Sản lượng vải sớm Thanh Hà năm nay ước đạt 35.000 - 40.000 tấn. Ảnh tư liệu minh họa.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương dự kiến với 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo và các đơn vị của Cục Xúc tiến thương mại; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

Về phía tỉnh Hải Dương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Công Thương và một số phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở; đại diện Lãnh đạo và một số phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo huyện Thanh Hà và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…

Cùng với đó là đại diện các Sàn thương mại điện tử như Sendo, Postmart, CTCP Icheck và một số đối tác thương mại điện tử; Trung tâm cung ứng hàng hóa Vinmart - Tập đoàn Masan; Saigon corp; CTCP Nông nghiệp hữu cơ FuSa; Liên hiệp OCOP Việt Nam; Công ty Sun Hee Distribution Corp TP HCM…

Đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh như CTCP Ameii Việt Nam; Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Rồng Đỏ; CTCP Nông sản Hưng Việt; Công ty TNHH Rau củ quả an toàn Thanh Hà; DNTN Khởi Huệ, HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ; đại diện các HTX, hiệp hội, cơ sở sản xuất vải, nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế... và một số cơ quan truyền thông, báo chí tham dự.

8 nhóm nông sản chủ lực

Tỉnh Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và 351 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, gắn mã truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết.

Một số sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về lúa gạo, tỉnh Hải Dương có khoảng 125.000 ha trồng lúa; sản lượng 750.000 tấn/năm; trong đó có khoảng 60% là lúa gạo chất lượng cao. Thu hoạch chính vào vụ hè thu và vụ mùa. Chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong tỉnh khoảng 650.000 tấn; phần còn lại cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu khoảng 100.000 tấn.

Tổng diện tích rau màu của Hải Dương luôn duy trì khoảng trên 41.000 ha; tổng sản lượng 900.000 tấn/năm. Trong đó 80% là cây rau, 20% còn lại là cây màu.

Tiêu biểu như hành, tỏi với sản lượng 105.000 tấn/năm, thu hoạch chủ yếu trong vụ Đông hàng năm (từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau). Trong đó có khoảng 50% sản lượng hành củ từ 34.000 - 35.000 tấn, tiêu thụ trong nước; 15% sản lượng hành lá ở dạng sấy khô cung cấp cho công nghiệp chế thực phẩm trong nước. Còn lại gần 30% sản lượng hành củ (khoảng 20.000 - 25.000 tấn) được thái lát sấy khô, chiên dầu và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…

Cà chua khoảng 26.000 tấn (thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau); thị trường tiêu thụ trong nước là chủ yếu, dưới dạng quả tươi. Dưa hấu, dưa lê trên 70.000 tấn (thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm); chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi. Củ đậu 35.000 tấn (thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau); chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng củ tươi.

Khoai tây, su hào, cải bắp, su lơ có tổng sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó, khoai tây 20.000 tấn; su hào, cải bắp, su lơ khoảng 140.000 tấn; thu hoạch chủ yếu trong vụ Đông (từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau). Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu một phần sang Campuchia, Lào, Hàn Quốc.

Cà rốt với diện tích gieo trồng khoảng 1.400ha, sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (Vietgap, Golobalgap) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu các nước (khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan…).

Tổng diện tích rau màu của Hải Dương luôn duy trì khoảng trên 41.000 ha; tổng sản lượng 900.000 tấn/năm… Ảnh tư liệu minh họa.

Tổng diện tích rau màu của Hải Dương luôn duy trì khoảng trên 41.000 ha; tổng sản lượng 900.000 tấn/năm… Ảnh tư liệu minh họa.

Về cây ăn quả, tổng diện tích toàn tỉnh Hải Dương hàng năm duy trì trên 21.000 ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm.

Trong đó, nhãn có sản lượng khoảng 13.000 tấn, tập trung nhiều tại thành phố Chí Linh 750 ha; chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi. Sản lượng ổi khoảng 85.000 tấn/năm; thu hoạch tập trung từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau; chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi. Na có sản lượng trên 13.000 tấn/năm; là vùng trồng lớn thứ 3 của miền Bắc; thu hoạch tập trung trong quý 3 hàng năm; chủ yếu tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi.

Riêng đối với cây vải thiều, tại Hải Dương, vải thiều Thanh Hà là cây đặc sản, chất lượng cao có thương hiệu trên thị trường, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thời vụ thu hoạch trái cây của tỉnh chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Sản lượng vải hàng năm duy trì khoảng 55 - 60.000 tấn/năm (thu hoạch tập trung từ cuối tháng 5 đến tháng 6 hàng năm).

Hiện nay, vải là một trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chăm sóc theo quy trình Vietgap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Quả vải thiều Thanh Hà không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đang tiếp tục chinh phục các thị trường cao cấp.

Về thị trường, vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, cao cấp như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Séc, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc khu vực Trung Đông, ASEAN…

Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Hải Dương cho biết, điểm mới trong hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh năm nay là Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Thanh Hà tổ chức hội nghị từ sớm.

Cùng với hội nghị này, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tổ chức sự kiện "Vải thiều Thanh Hà - Hành trình cùng các Tour du lịch". Trong đó sẽ tổ chức hoạt động truyền thông, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vải thiều của tỉnh đưa vải thiều vào các khu, điểm du lịch trong tỉnh, trong nước; các tour du lịch do các đơn vị du lịch, lữ hành tổ chức…

Ngoài ra, Hải Dương sẽ phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức sự kiện đưa vải thiều quảng bá, giới thiệu và bán trên hệ thống vận tải hành khách của Đường sắt Việt Nam, với chủ đề “Vải thiều Thanh Hà - Vươn xa trên các cung đường sắt”…

Tin liên quan

Đọc tiếp