![]() |
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và doanh nghiệp sáng 10/2, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận định, vào thời điểm này, cả nước đang hào hứng, có niềm hy vọng lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, trở thành quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, ông Trương Gia Bình đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ, vì ông nhận thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên. Và "bình dân AI vụ" là một trong những giải pháp mà Chủ tịch FPT tin rằng sẽ mang lại hiệu quả lớn.
“Bây giờ cơ hội đang đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho ‘bình dân hóa trí tuệ nhân tạo’, tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được,” ông Bình nói.
Cụ thể, ông Bình đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. “Chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…,” Chủ tịch FPT nêu ý kiến.
Cũng chia sẻ về giải pháp phát triển ngành công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC nêu thực tiễn: “Chúng ta đang nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chữ khoa học không gắn với công nghệ và chữ công nghệ không gắn với thị trường, doanh nghiệp. Đây là điểm mà tôi mong chờ là khi sát nhập Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Thông tin & Truyền thông thì chúng ta sẽ khắc phục”.
Theo ông Chính, Nghị quyết 57 được xây dựng như một bản đồ chiến lược, sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn. Năm 2024, CMC đã có tuyên bố về chiến lược chuyển đổi AI, kiến nghị với Chính phủ tận dụng AI như một tiềm năng, năng lực công nghệ mà người Việt có để xây dựng đất nước.
Ông Nguyễn Trung Chính cho biết, Tập đoàn CMC nhận hai nhiệm vụ quốc gia. Nhiệm vụ thứ nhất là xây dựng hạ tầng điện toán đám mây, không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Quy mô đầu tư đến 80 MW, gấp gần hai lần tổng công suất Việt Nam hiện nay đang có (khoảng 50 MW). “Đến 2030 sẽ xây dựng hạ tầng như vậy. Chúng ta phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình,” ông Chính nói.
Còn nhiệm vụ thứ hai là xây dựng C.OpenAI. C.OpenAI được CMC công bố từ năm 2017 và đến nay chuyển thành C.OpenAI; xây dựng Core AI của người Việt, trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: VGP |
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch CMC kiến nghị Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể là giao Bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp như thế nào.
Thứ hai, CMC có kế hoạch đầu tư 5 năm tới dành khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. Băn khoăn của doanh nghiệp là nguồn vốn. “Rất mong chúng ta có quỹ hỗ trợ phát triển nhưng không biết 700 triệu USD có được vay vốn không. Chúng tôi muốn có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm,” ông Chính đề xuất.
Thứ ba, CMC đang triển khai đào tạo. “Chúng tôi muốn mở các phân hiệu tại các địa phương thì có quy định phải có 2ha đất. Về lý thuyết 2 ha đất đó là địa phương phải bố trí cho doanh nghiệp nhưng thực tế tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP HCM có được 2 ha đất là không hề dễ,” Chủ tịch CMC nêu khó khăn.