
Tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng qua 3 phương án
CTCP Chứng khoán MB (MBS) ngày 15/4 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên với sự tham dự của các cổ đông nắm giữ 77,01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, HĐQT MBS trình cổ đông phương án phát hành hơn 94,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỷ đồng lên 6.673 tỷ đồng. Cụ thể, công ty sẽ chào bán hơn 68,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ lệ 100:12. Ước tính số tiền thu được khoảng 687 tỷ đồng.
Phương án 2 là phát hành gần 17,2 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo tỷ lệ 100:3. Hai đợt phát hành trên đều không hạn chế chuyển nhượng.
Ngoài ra, MBS sẽ triển khai chương trình ESOP cho cán bộ nhân viên với khối lượng phát hành gần 8,6 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, với 50% được giải tỏa sau 3 năm đầu.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ các đợt phát hành là hơn 945 tỷ đồng, trong đó phần lớn sẽ phục vụ cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (623 tỷ đồng), phần còn lại dành cho tự doanh và bảo lãnh phát hành.
Trước câu hỏi từ cổ đông về khả năng triển khai các kế hoạch tăng vốn trong bối cảnh thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, vẫn còn nhiều bất ổn, Chủ tịch HĐQT MBS Lê Viết Hải cho biết không có gì đáng lo ngại trong thời điểm này.
Với việc Ngân hàng Quân đội (MB) đang nắm giữ gần 78% vốn điều lệ, các kế hoạch tăng vốn đều nhận được sự đồng thuận cao từ cổ đông chiến lược. Dẫn chứng từ năm 2023, ông cho biết công ty từng phát hành 27 triệu cổ phiếu và đã phân phối thành công 25 triệu đơn vị, minh chứng cho niềm tin và sự ủng hộ mạnh mẽ của cổ đông hiện hữu. Với nền tảng đó, ban lãnh đạo tin tưởng đợt phát hành sắp tới sẽ tiếp tục diễn ra thuận lợi, tạo thêm nguồn lực cho MBS tăng tốc trong giai đoạn mới.
![]() |
Chủ tịch HĐQT MBS Lê Viết Hải. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN |
Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 40% trong năm 2025
Ngoài tăng vốn, HĐQT MBS cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 40% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến tối thiểu đạt 14,3%.
![]() |
Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, MBS cũng nhấn mạnh kế hoạch mở rộng thị phần môi giới, với mục tiêu tối thiểu 6% (phấn đấu đạt 6,5%), trong đó thị phần từ kênh số đạt tối thiểu 2% (phấn đấu 2,5%). Công ty cũng đặt mục tiêu tỷ lệ khách hàng giao dịch thường xuyên (active) đạt 25% và tổng số lượng khách hàng tích lũy tối thiểu 200.000 người. Doanh số từ hoạt động tư vấn đầu tư (IB) cho khách hàng MB dự kiến đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng.
Trước câu hỏi về bối cảnh thị trường hiện nay và cơ hội dành cho MBS trong thời gian tới, ông Phạm Thế Anh - Thành viên HĐQT cho rằng tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của các chính sách thuế quan từ Mỹ. Việc Chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 18% đã gây ra áp lực lớn lên ngân sách và buộc nước này phải gia tăng thu thuế từ hoạt động thương mại, điều này phần nào tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thế Anh nhìn nhận đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tái cấu trúc hoạt động, chủ động thích ứng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xu hướng Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân đang mở ra dư địa phát triển rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có MBS.
Từ góc độ ngành tài chính - chứng khoán, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố thuận lợi, giúp giảm chi phí vốn và thúc đẩy nhu cầu đầu tư. Cùng với đó, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt, đặc biệt là với các công ty chứng khoán có lợi thế về hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ. Ngoài ra, theo đại diện MBS, các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, bao gồm nỗ lực nâng hạng thị trường, cũng đang mở ra kỳ vọng lớn về việc thu hút dòng vốn nước ngoài trong trung và dài hạn.