Chủ tịch MWG nói gì khi cổ phiếu giảm 50% từ mức đỉnh

MWG bán lẻ
09:12 - 14/11/2023
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG.
0:00 / 0:00
0:00
So với mức đỉnh xác lập hồi tháng 4/2022, cổ phiếu MWG hiện đã giảm 50%, một phần do áp lực bán ròng của khối ngoại. Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm như vậy, thách thức lòng tin của nhà đầu tư.

Tại buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023 mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã có chia sẻ với cổ đông về việc cổ phiếu giảm giá và động thái thoái vốn của khối ngoại.

Theo ông Tài, việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra cổ phiếu MWG trong thời gian qua có thể xuất phát từ mối lo như “Bách Hóa Xanh có về đích nhanh không”, “Thế giới Di động, Điện Máy Xanh có hồi phục nhanh không”. Một lý do khác nữa là lợi nhuận của công ty. Ông Tài thừa nhận rõ ràng trong năm 2023, tập đoàn không tạo ra lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, việc khối ngoại rời đi và giá cổ phiếu giảm sâu được Chủ tịch MWG xem như một cơ hội, vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm như vậy, thách thức lòng tin của nhà đầu tư. "Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra", ông Tài chia sẻ.

Cá nhân Chủ tịch MWG cũng đã có hành động khi cổ phiếu xuống thấp. Ông đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu MWG trong khoảng từ 8/11 đến 7/12 với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, ông Tài sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại công ty lên 36,13 triệu đơn vị, tỷ lệ 2,469%.

Diễn biến cổ phiếu MWG thời gian qua.

Diễn biến cổ phiếu MWG thời gian qua.

MWG đóng cửa phiên 13/11 ở mức giá 40.000 đồng, giảm gần 50% so với mức đỉnh xác lập hồi tháng 4/2022. Từ tháng 11/2022 đến nay, cổ phiếu của Thế giới Di động đã nhiều lần rơi về vùng giá dưới 40.000 đồng, với một phần áp lực từ việc khối ngoại bán ròng.

Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG liên tục hạ xuống mức thấp hơn sau mỗi phiên giao dịch trong vòng 3 tháng vừa qua. Tại thời điểm cuối phiên 13/11, tỷ lệ ghi nhận ở sát mức 45%, tương ứng lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm lên tới hơn 55 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.

Mới đây nhất, nhóm quỹ Dragon Capital thông báo đã bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu MWG trong phiên 1/11, qua đó giảm sở hữu từ hơn 105 triệu cổ phiếu (chiếm 7,19% vốn) xuống còn hơn 101 triệu cổ phiếu (chiếm 6,9% vốn). Tính theo số lượng nắm giữ ngày 26/12/2022 là 148,1 triệu đơn vị (10,12%), nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng khoảng 47 triệu cổ phiếu MWG từ đầu năm tới nay.

Doanh thu lần đầu tăng trưởng dương trong năm 2023

Cũng tại buổi họp nhà đầu tư, MWG hé lộ kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với mức tăng trưởng dương về doanh thu hàng tháng đầu tiên trong năm nay. Ước tính sơ bộ, MWG đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng trong tháng 10, trong đó hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh chiếm khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5% so với tháng trước. Chuỗi Bách Hóa Xanh thu vượt mức 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5% so với tháng trước, doanh thu bình quân đạt hơn 1,7 tỷ đồng/cửa hàng.

Riêng về Bách Hóa Xanh, lãnh đạo MWG tỏ ra chắc chắn về khả năng hòa vốn của chuỗi siêu thị trong tháng 12/2023. Sau quý 4/2023, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn khác khi chủ động trong doanh thu và lợi nhuận thu về để phục vụ cho hoạt động bán hàng, thuê địa điểm, kho bãi, logistics…, phía công ty mẹ sẽ không hỗ trợ về tài chính ngoài giải quyết những tồn đọng trong quá khứ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.