Chủ tịch Sacombank và dấu ấn trong lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp

Him Lam Sacombank.
18:52 - 16/08/2022
Ông Dương Công Minh là doanh nhân có nhiều thành tựu nổi bật.
Ông Dương Công Minh là doanh nhân có nhiều thành tựu nổi bật.
0:00 / 0:00
0:00
Đảm nhận vai trò cố vấn cho HĐQT Bamboo Airways, ông Dương Công Minh được kỳ vọng mang lại đột phá cho hãng bay này, vì Chủ tịch Sacombank là người dày dặn kinh nghiệm thương trường và nổi tiếng là khá "mát tay" trong tái cấu trúc doanh nghiệp. 

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa được mời làm cố vấn cho HĐQT Bamboo Airways. Theo Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng, động thái này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn trong giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, với kinh nghiệm tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp trước đây, ông Dương Công Minh được biết đến là doanh nhân khá "mát tay" trong hoạt động này, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Khởi nghiệp buôn hoa quả, phải bán nhà trả nợ

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) năm 1984, ông đi nghĩa vụ quân sự và ra quân với quân hàm trung uý. Ông khởi nghiệp cùng một người bạn với việc buôn chuối sang Trung Quốc bán, sau đó mở rộng buôn thêm các loại quả khác như xoài, thanh long.

Theo lời kể của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh tại tọa đàm “Khởi nghiệp công nghệ bất động sản: Người thay đổi cuộc chơi” từ năm 2018, hồi đó xoài rất hiếm, chủ yếu tự cung tự tiêu là chính. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc lại thu mua rất nhiều loại quả này, nên nếu buôn vào vụ thì một lời một là chuyện bình thường.

Thấy làm ăn thuận lợi, ông Minh và người bạn đã "tất tay" nâng lượng hàng lên tới 110 xe chở xoài xuất sang Trung Quốc. Bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào chuyến xoài đó. Nhưng theo lời ông Minh, khi hàng lên đến cửa khẩu thì 100 xe xoài thối ủng do dính phải lô xoài non. Vụ đầu tư đó khiến ông mất cả vốn lẫn lãi, dẫn đến việc phải bán nhà trả nợ. Nhưng cũng chính biến cố khi buôn xoài này đã đưa ông đến với lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, khi thua lỗ phải bán nhà để trả nợ, ông kể lại rằng đã bị dịch vụ “chém” đau các thủ tục. Nhà ông bán giá 350 triệu đồng nhưng để hợp thức hóa giấy tờ phải mất 50 triệu. Thấy 50 triệu là quá nhiều nên ông tự đi làm, tổng cộng hết 3 triệu. Điều này mở ra cho ông một hướng kinh doanh mới, bằng cách lập luôn một công ty chuyên hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu đồng.

Từ dịch vụ bất động sản, năm 1994, ông Minh bước vào phát triển dự án và xây dựng nhà ở với việc thành lập Công ty Him Lam – doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản đầu tiên tại TP HCM lúc bấy giờ. Dự án đầu tiên của doanh nghiệp này là Khu đô thị Him Lam Tân Hưng tại quận 7.

Gây dựng "đế chế" Him Lam

Vì không phải là công ty đại chúng nên tình hình hoạt động cũng như tài chính của Him Lam không được công bố nhiều. Theo thông tin công bố trên website Him Lam, tập đoàn hiện gồm hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên chủ chốt vẫn là bất động sản với hơn 30 dự án đã và đang đầu tư, tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Có thể điểm qua một số dự án bất động sản lớn của Him Lam như: Khu nhà ở Đồng Diều (Phường 4, Quận 8), Khu đô thị mới 6A Nam Sài Gòn (Bình Hưng, Bình Chánh), Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng (phường Tân Hưng, Quận 7) với quy mô lên đến 60 ha; Trung tâm thương mại Him Lam Plaza (tại Phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh); Khu trung tâm tài chính Him Lam (phố Tôn Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, Hà Nội); Khu Vui chơi giải trí, du lịch sinh thái (phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội); Galaxy 2 (Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội)…

Dự án Him Lam Riverside. Ảnh: Him Lam Land
Dự án Him Lam Riverside. Ảnh: Him Lam Land

Bên cạnh đó là các dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An... Gần đây nhất, doanh nghiệp này được UBND TP Hà Nội giao lập dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP. Him Lam cũng rất tích cực đề xuất tham gia các dự án đầu tư công như cao tốc Bắc – Nam.

Một thông tin đáng chú ý khác, Him Lam chính là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển dịch vụ sân golf. Từ năm 1999, với khu liên hiệp sân tập golf tại Bình Thạnh, TP HCM, Him Lam đã manh nha ý định đưa sân golf bổ sung vào hệ sinh thái bất động sản.

Không lâu sau đó, doanh nghiệp này chính thức làm sân golf hoàn chỉnh và đến nay đã rót hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư 2 sân golf có quy mô là Long Biên (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM). Lĩnh vực này được vận hành thông qua công ty thành viên là CTCP Đầu tư Long Biên (thành lập 2006).

"LienVietPostBank là con đẻ, Sacombank là con dâu"

Ngoài Him Lam, ông Dương Công Minh còn biết đến với 2 thương vụ nổi tiếng ngành ngân hàng. Một là tham gia thành lập LienVietPostBank và hai là tham gia cơ cấu Sacombank. LienVietPostBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Liên Việt - LienVietBank, hoạt động từ tháng 3/2008 với vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỷ đồng. Lúc đó, Him Lam là cổ đông lớn nhất với việc sở hữu 15% vốn, ông Minh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Đến năm 2011, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Đây được coi là nước đi thông minh của ông Dương Công Minh khi LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gây dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm. Thực tế nhờ lợi thế này, LienVietPostBank đã rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời.

Ông Dương Công Minh từng làm Chủ tịch LienVietPostBank từ 2008-2017.

Ông Dương Công Minh từng làm Chủ tịch LienVietPostBank từ 2008-2017.

Gắn bó với LienVietPostBank gần chục năm, tháng 6/2017, ông Minh có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, thành viên HĐQT nhà băng này để tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngay trong tháng đó, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Đồng thời, Công ty Him Lam cũng thoái thành công toàn bộ 96,77 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, tương đương 14,98% vốn điều lệ. Khi đó, trên sàn OTC, thị giá LPB ở mức quanh 12.000 đồng/cổ phiếu. Quy ra giá trị, khi đó Him Lam thu về ước chừng 1.161 tỷ đồng trong thương vụ thoái vốn này.

Thời điểm ông Minh tham gia tái cấu trúc Sacombank, nhà băng này đang có khối nợ xấu khổng lồ (gần 97.000 tỷ đồng) do sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm; được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, tạo điều kiện để tiến hành xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, ông Minh đã cam kết với cổ đông rằng “5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi”, cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.

Để tập trung cho nhiệm vụ này, ngoài việc rời hẳn LienVietPostBank, ông còn từ nhiệm vị trí Chủ tịch tại Him Lam và 3 công ty khác (CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt) để tập trung cho Sacombank.

Ông Dương Công Minh phát biểu tại ĐHĐCĐ năm tài chính 2021.

Ông Dương Công Minh phát biểu tại ĐHĐCĐ năm tài chính 2021.

Tại đại hội cổ đông năm 2021, ông Minh từng ví von rằng: "LienVietPostBank là con đẻ, nhưng tôi cho đi lấy chồng rồi. Sacombank là con dâu mới lấy về nên dĩ nhiên tôi quý hơn".

Ông Minh khẳng định LienVietPostBank và Sacombank hoàn toàn độc lập và ông yêu quý cả hai, nhưng Sacombank đang mang lại quyền lợi thiết thực nên toàn bộ công việc cũng tập trung vào đây. Quả thật trong 5 năm qua, tốc độ xử lý nợ xấu tại Sacombank rất tích cực.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2021 được tổ chức vào ngày 22/4/2022, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, tính riêng trong năm 2021, Sacombank đã thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đạt 14.087 tỷ đồng. Trong đó gồm 11.759 tỷ đồng các khoản thuộc đề án, qua đó nâng mức thu hồi luỹ kế nợ xấu từ khi triển khai đề án lên 58.306 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch và vượt 7,9% tiến độ.

Tài sản tồn đọng cũng giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản. Theo lãnh đạo Sacombank, các tài sản đảm bảo của ngân hàng đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp, do vậy khả năng Sacombank sẽ hoàn thành sớm việc tái cơ cấu. Nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và sự hợp tác tích cực từ các nhóm khách hàng có liên quan.

Quan trọng hơn, Sacombank đã giải được bài toán khó đặt ra từ 5 năm trước, là làm sao vừa đảm bảo tiến độ của đề án tái cơ cấu nhưng vẫn phải tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn vừa qua, huy động vốn và cho vay tại Sacombank tăng bình quân 9% và 14,4%/năm.

Tổng thu nhập của Sacombank tăng 23%/năm, trong đó thu dịch vụ tăng 30%/năm. Lợi nhuận lõi bình quân hằng tháng tăng gần 20 lần sau 5 năm, từ mức 50 tỷ đồng vào năm 2016 lên 900 - 950 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Sự phục hồi của Sacombank còn được phản ánh qua việc thị giá cổ phiếu STB đã tăng từ 9.450 đồng/cp lên mức đỉnh 35.850 đồng/cp (phiên 8/2/2022).

Năm 2022, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2021. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đặc biệt, với kết quả kinh doanh khả quan, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến thời điểm 31/12/2021 của Sacombank gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông sau khi hoàn thành tái cấu trúc.

Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Mặc dù chưa thể chia cổ tức nhưng tại đại hội vừa qua, Sacombank đã khiến cổ đông ấm lòng với quà tặng ý nghĩa là miếng vàng thần tài 0,5 chỉ.

Sacombank từng là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại thời điểm cuối năm 2021, với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đầu năm 2021, FLC không có dư nợ tại Sacombank. Tập đoàn này bắt đầu vay nợ Sacombank sau lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan tới hãng hàng không.

Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.

Hồi tháng 4/2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FLC và Bamboo Airways ở mức trên 5.000 tỷ. Trong đó, các khoản nợ cho vay đối Bamboo Airways là phù hợp ở thời điểm đó nhằm đồng hành với doanh nghiệp hàng không, du lịch khó khăn vì dịch bệnh. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án bất động sản.

Ông Dương Công Minh cũng nhận định khoản nợ của FLC thực chất là khoản nợ tốt nhưng do sức ép của dư luận nên ngân hàng phải thực hiện thu hồi sớm. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của Tập đoàn FLC, 2 khoản vay trung dài hạn tổng dư nợ 1.840 tỷ tại Sacombank đã được thanh toán hết trong kỳ.

FLC cũng đã thanh toán nhiều khoản vay tại các ngân hàng, chẳng hạn dư nợ vay ngắn hạn tại OCB từ 573 tỷ đầu năm giảm về 0 đồng, BIDV CN Đồng bằng Sông Cửu Long từ dư nợ 176 tỷ đầu năm giảm về 0 đồng. Trong kỳ, FLC cũng đã thanh toán 150 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.