LPBS không phải là công ty chứng khoán duy nhất muốn tăng mạnh vốn trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Phạm Ngọc - Mekong ASEAN |
CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) vừa công bố tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của năm 2023 diễn ra vào ngày 9/12 tới đây.
Tại đại hội, LPBS sẽ trình cổ đông việc chấp thuận cho công ty đăng ký thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và thành viên bù trừ của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Đồng thời chấp thuận cho LPBS cung cấp bổ sung các dịch vụ gồm dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán; dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán; dịch vụ giao dịch trực tuyến cho khách hàng.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ bất thường của LPBS cũng xin ý kiến cổ đông về miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Dương Công Vịnh và bà Nguyễn Thị Bích Hồng, hướng ngược lại sẽ bầu bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT.
Bên cạnh các nội dung quan trọng kể trên, tâm điểm tại đại hội lần này là tờ trình chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1.000/14.552.
Nếu hoàn tất 100% kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS dự kiến tăng gấp 16 lần, từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.
Với số tiền 3.638 tỷ đồng dự kiến thu về, LPBS sẽ sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, trong đó 500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh, 200 tỷ đồng sử dụng để mở rộng mạng lưới chi nhánh tại các tỉnh thành phố lớn và 2.938 tỷ đồng còn lại sẽ được bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác.
Trên thực tế, LPBS không phải là công ty chứng khoán duy nhất muốn tăng mạnh vốn trong thời gian gần đây. Nhiều ông lớn trong ngành như VNDIRECT, SSI, HDS … lần lượt lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực.
Dù vậy, tăng vốn gấp tới 16 lần chỉ trong một lần chào bán như của LPBS là chuyện hiếm có ở thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này phản ánh phần nào tiềm lực cũng như tham vọng của giới chủ mới công ty này.
Thay mình hậu đổi chủ
CTCP Chứng khoán LPBank có tiền thân là CTCP Chứng khoán Viettranimex, được thành lập vào năm 2009 với 5 cổ đông sáng lập là CTCP Him Lam, Ngân hàng TMCP Liên Việt, CTCP Xuất nhập khẩu Việt Trang (Viettranimex), ông Phan Hữu Tuấn và ông Phạm Huy Thông.
Đến tháng 4/2010, Chứng khoán Viettranimex đổi tên thành CTCP Chứng khoán Liên Việt. Tới tháng 2/2012, Him Lam trở thành công ty mẹ sau khi mua lại lượng lớn cổ phần từ các cổ đông sáng lập, bản thân ông Dương Công Minh cũng trực tiếp cầm cương, giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2013.
Vào tháng 7/2016, Chứng khoán Liên Việt tăng vốn điều lệ từ 125 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu. Ở đợt phát hành này, ông Phan Hữu Tuấn và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt không tham gia mua cổ phần, cổ đông còn lại là Him Lam mua toàn bộ cổ phần được phân phối, nâng sở hữu từ 79% lên 89,5% vốn điều lệ.
Đến năm 2017, Him Lam chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 223,75 tỷ đồng, tương đương 89,5% vốn của LPBS cho bà Nguyễn Thị Bích Hồng. Ông Dương Công Minh đồng thời cũng nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT cho nữ doanh nhân sinh năm 1963 này.
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, bà Hồng từng giữ vị trí Phó Giám đốc Khối Giao dịch - Môi giới của CTCP Chứng khoán Âu Việt, sau đó đảm nhận vị trí Tổng giám đốc LPBS từ tháng 6/2013. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Bích Hồng từng là cổ đông lớn và Thành viên HĐQT của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef - HNX: POT).
Đến giữa tháng 7/2023, bà Hồng bán ra 21 triệu cổ phiếu, hạ sở hữu từ 89,5% xuống còn 5,5%. Ở chiều ngược lại, bà Phạm Thu Hằng báo cáo nhận chuyển nhượng 16,5 triệu cổ phần, tương đương 66% vốn điều lệ. Sau giao dịch trên, bà Hồng cũng thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT LPBS từ cuối tháng 8/2023.
Sau các động thái trên, bà Vũ Thanh Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế cho bà Hồng. Theo bản công bố thông tin, bà Huệ sở hữu 2,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9% vốn) LPBS tại thời điểm nhậm chức (28/8).
Trước khi lên nắm quyền tại Chứng khoán LPBank, bà Vũ Thanh Huệ hiện đang là lãnh đạo quan trọng tại CTCP Thaiholdings khi giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc. Đáng chú ý, Thaiholdings giai đoạn 2021 – 2022 cũng từng có một Phó Tổng giám đốc tên Phạm Thu Hằng.
Bên cạnh thay đổi Chủ tịch HĐQT, công ty cũng tiến hành thay tên thương hiệu từ CTCP Chứng khoán Liên Việt thành CTCP Chứng khoán LPBank. Ban lãnh đạo cho biết một lý do là nhằm tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mối quan hệ hợp tác với LPBank.
Hậu biến động cơ cấu sở hữu, cơ cấu cổ đông Chứng khoán LPBank vẫn rất cô đặc. Tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hồi cuối tháng 8/2023, LPBS ghi nhận có 6 cổ đông tham gia biểu quyết, đại diện cho 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại đơn vị này.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, cơ cấu sở hữu tại LPBS tại ngày 30/9/2023 bao gồm bà Nguyễn Thị Bích Hồng (5,5%), LPBank (5,5%), ông Nguyễn Bá Khoát (5%), bà Phạm Thị Thu Hằng (66%), bà Vũ Thanh Huệ (9%) và 9% của cổ đông khác.
Vào ngày 23/11/2023, bà Vũ Thanh Huệ mua thêm 1,25 triệu cổ phần, nâng sở hữu từ 9% lên 14% vốn điều lệ của LPBS.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2023, LPBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 25,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi sau thuế 11,4 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 5,1 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2022.