Tại tọa đàm "Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội" diễn ra ngày 30/7, PGS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp đất hiếm, công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Nguyễn Mại, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam do ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội…Đơn cử, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klau Schwab đánh giá Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, kết quả của các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài, TS Nguyễn Mại nói, tại buổi tọa đàm do UBND TP Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại TP Hà Nội và Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Việt Nam cũng có một trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn đất hiếm), theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ. Theo TS Nguyễn Mại, đất hiếm được xem là “quân át chủ bài” cho nền kinh tế của một quốc gia bởi đây là vật liệu chiến lược của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao. Đất hiếm được sử dụng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, chế tạo đồ điện tử, xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời…
Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam đồng thời là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư, trở thành một trong những khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Thời gian qua, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX…Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên và thủ tục hải quan…
Tuy nhiên, Hà Nội chưa thực sự khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo TS. Nguyễn Mại, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6%, thấp hơn mức bình quân 6,42% của cả nước. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lũy kế đến cuối năm 2023, Hà Nội đạt 41,17 tỷ USD, chiếm 8,8% cả nước.
Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện chiếm tỷ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP HCM, Hà Nội chỉ chiếm 8%.
| |
“Nguyên nhân là do việc tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra tương đối chậm. Thêm vào đó là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ ngành trung ương với các viện khoa học, trường đại học”. | |
PGS.TSKH Nguyễn Mại |
Trao đổi thêm về quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, trong trung hạn, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm OSAT (lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn thuê ngoài). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu một số khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn như công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu và năng lượng.
Ông Trần Đình Thiên kiến nghị, về dài hạn, Việt Nam cần xác định lực lượng lao động và nhân công có tay nghề cao là động lực tiến lên trong chuỗi giá trị, lĩnh vực thiết kế và chế tạo bán dẫn.
Việt Nam cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), hướng tới giáo dục và đào tạo công nghệ, công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng thiếu nhân tài về bán dẫn, giúp cải thiện năng lực lao động, hỗ trợ Việt Nam tham gia thiết kế chip, ông Thiên nói.
Sau khi phát triển được nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, Việt Nam nên tham gia vào công đoạn chế tạo bán dẫn. Điều này giúp Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi bán dẫn toàn cầu, nâng cao cạnh tranh toàn cầu.
Tọa đàm "Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội". Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Góp ý thêm giải pháp, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, để tận dụng cơ hội sẵn có, Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi.
Lãnh đạo VINASA khuyến nghị, Hà Nội cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng.
| ||
"Điều quan trọng là phải xây dựng được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất chip bán dẫn, nguồn nhân lực bán dẫn, cần dành nguồn lực hợp lý để tạo bệ phóng cho ngành bán dẫn". | ||
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. |
Các chuyên gia tham dự tọa đàm khuyến nghị, để thu hút đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, Hà Nội cần triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại đây.
Một số đề xuất được nêu ra tại hội thảo trên như, đối với nhà đầu tư nên được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Tọa đàm "Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội" nằm trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. |