Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Nguồn: VGP. |
Đồng thời, Thủ tướng cũng ký Quyết định số 04 ngày 10/1/2025 ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thành lập để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo quyết định thành lập, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó trưởng Ban Thường trực là Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Phó trưởng ban. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 18 thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành.
Với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng yêu cầu sau khi thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương về sự thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo sau khi các bộ được sát nhập, hợp nhất.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong phát triển điện hạt nhân. Ban sẽ thường xuyên báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhiệm vụ được giao.
Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Theo quyết định số 04, Ban Chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng một lần và họp bất thường theo quyết định của trưởng ban. Ngoài việc họp trực tiếp, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến bằng văn bản của thành viên để tổng hợp, báo cáo trưởng ban xem xét, quyết định.
Nội dung cuộc họp định kỳ tập trung đánh giá tình hình xây dựng nhà máy điện hạt nhân; đề xuất, xử lý các vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện; báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.
Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ từng thời điểm, tổ giúp việc có thể đề xuất mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị liên quan tham dự, báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo trưởng ban tình hình triển khai nhiệm vụ, hoạt động được phân công theo kế hoạch hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của trưởng ban, đồng thời chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Báo cáo của các thành viên được gửi tới trưởng ban, đồng thời gửi tới tổ trưởng tổ giúp việc để theo dõi, tổng hợp chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm bảo quản thông tin báo cáo trong quá trình làm việc, trường họp chia sẻ thông tin cần báo cáo trưởng ban xem xét, chấp thuận.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng, đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của mình.
Cũng theo quy chế, trưởng ban có nhiệm vụchỉ đạo, điều hành chung; xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của ban; quyết định, chủ trì chương trình và nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác, kế hoạch xây dựng, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Phân công, ủy quyền cho phó trưởng ban hoặc thành viên Ban Chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền khi cần thiết.
Các phó trưởng ban có nhiệm vụ giúp trưởng ban chuẩn bị chương trình, kế hoạch và nội dung hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo; chủ trì các cuộc họp theo nhiệm vụ phân công; chủ trì các cuộc họp khi được trưởng ban ủy quyền. Giúp trưởng ban nghiên cứu, đề xuất Chính phủ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân; các vấn đề điều phối hoạt động chung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý xây dựng cơ chế, chính sách và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện tiếp tục chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chương trình phát triển điện hạt nhân; thực hiện các nhiệm vụ khác do trưởng ban giao.
Thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước trưởng ban về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công; chủ trì tham mưu để giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo chức năng, thẩm quyền của Bộ, cơ quan mình phụ trách và phù hợp với quy định pháp luật. Sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất, con dấu của cơ quan mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ giúp việc tham mưu, hỗ trợ Ban Chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kiến nghị giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ giúp việc được gửi văn bản lấy ý kiến các thành viên, làm việc với tư vấn, chuyên gia; được yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu từ các cơ quan liên quan để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo. Tổ giúp việc tham gia các cuộc họp và chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; xây dựng biên bản cuộc họp và thông báo với các bên liên quan để triển khai.