Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh |
Sáng 11/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới".
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 - thời điểm chịu ảnh hưởng mạnh của Covid-19.
Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.
Về thương mại, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhìn nhận.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, những nét chính trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.
"Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới", đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá.
Tọa đàm "Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới". |
Đồng quan điểm, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh cho biết, dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài.
Nhìn vào tăng trưởng các nhóm ngành trong quý 2 có thể thấy nền tảng phục hồi chưa chắc chắn, mặc dù tăng trưởng GDP quý 2 cải thiện hơn so với quý 1 nhưng vẫn còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid-19.
Trong quý 2, nhiều ngành nghề suy giảm mạnh đặc biệt những ngành liên quan công nghiệp chế biến chế tạo, hướng đến xuất khẩu.
Về lạm phát, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022, một phần thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút. Ngoài ra, thị trường tài sản của Việt Nam giảm rất mạnh từ cuối quý 4 đến quý 1 năm nay kéo theo tiêu dùng cắt giảm nhanh.
Thực tế cho thấy, tất cả các thành phần tổng cầu của nền kinh tế đều suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Trước hàng loạt khó khăn về thị trường, vốn, giá cả đầu vào tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tìm được giải pháp để thoát khỏi khó khăn.
Theo đó, vị chuyên gia này đưa ra 3 giải pháp chính kích thích tăng trưởng tổng cầu.
Thứ nhất, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.
Sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn tuy nhiên lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.
Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Trong đó, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển NOXH đáp ứng nhu cầu thực; Xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
Thứ ba, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Bên cạnh đó, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm VAT hàng thiết yếu.
Ưu điểm của kích thích tiêu dùng này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao; vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, PGS.TS. Phạm Thế Anh khẳng định.
Mặt khác, PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho biết, có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu có chọn lọc và kết hợp các chính sách cải thiện các tổng cung tiềm năng. Nếu lạm dụng chính sách kích cầu sẽ dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác bất ổn hơn, nhất là trong xu hướng tăng trưởng chung của nền kinh tế đang thấp dần.
Cũng phân tích về tổng cầu, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu.
Con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng 2,63% mức tăng thấp hơn so với 2021, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2021 là 3,56% năm 2022 là 6,6%. Những con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh.
"Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu", vị chuyên gia này phân tích.
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ tăng khá tốt, số liệu thống kê tổng mức bán lẻ là tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá còn 8,4%, trong khi con số thống kê tiêu dùng cuối cùng chỉ 2,63%, do đó, sắp tới cần đánh giá đúng thực trạng về bức tranh tổng cầu trong nước, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.