Muỗi Aedes aegypti gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và Zika. Ảnh: ECDC |
Tại nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là tại các khu vực có nhiều muỗi, các cơ quan y tế thường diệt muỗi bằng cách phun thuốc diệt côn trùng. Chính các hành động này đã gây ra tình trạng kháng thuốc và vấn đề này từ lâu đã trở thành một mối lo ngại lớn. Tuy nhiên, quy mô của vấn đề vẫn chưa được hiểu ngọn ngành.
Với mục đích đó, nhà khoa học Nhật Bản Shinji Kasai cùng nhóm của mình đã tiến hành kiểm tra nhiều mẫu muỗi từ một số quốc gia ở châu Á cũng như các quốc gia châu Phi như Ghana. Thông qua quá trình này, họ phát hiện ra nhiều đột biến khiến một số loài muỗi hầu như không bị ảnh hưởng bởi các hóa chất diệt côn trùng phổ biến dựa trên pyrethroid như permethrin.
Theo AFP trích dẫn ông Kasai, hơn 90% loài muỗi Aedes aegypti tại Campuchia – loài muỗi mang bệnh sốt xuất huyết, Zika, sốt vàng da và nhiều bệnh khác - có sự kết hợp của các đột biến, dẫn tới mức độ kháng thuốc vô cùng cao. Ông cho biết mức độ kháng thuốc của muỗi được tìm thấy tại Campuchia và Việt Nam ở một cấp độ hoàn toàn khác biệt so với nhiều nơi.
Cụ thể, một số chủng muỗi có khả năng kháng thuốc gấp 1.000 lần so với mức 100 lần được phát hiện trước đây, tương đương với việc hiệu quả tiêu diệt muỗi từ 100% sẽ tụt xuống chỉ còn 7%. Vì vậy, ngay cả khi liều lượng được tăng mạnh hơn 10 lần, số muỗi siêu kháng thuốc tiêu diệt được cũng chỉ rơi vào mức 30%.
Mức độ kháng thuốc của muỗi từ Ghana cũng như các vùng của Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) xuất hiện những khác biệt nhất định với các hóa chất hiện có, đặc biệt là ở liều lượng cao hơn.
Khả năng kháng thuốc cũng được phát hiện ở một loại muỗi khác là Aedes albopictus nhưng ở mức độ thấp hơn. Nguyên nhân có thể do loài muỗi này có xu hướng kiếm ăn ngoài trời và thường là từ động vật, do đó ít tiếp xúc với thuốc diệt muỗi hơn loại muỗi Aedes aegypti ưu tiên con người.
Nhận định về tác động của nghiên cứu này, ông Kasai bày tỏ lo ngại những con muỗi mang đột biến mà nhóm của ông tìm thấy trong nghiên cứu này sẽ lan rộng ra phần còn lại của thế giới trong tương lai gần.
Phó giáo sư và nhà nghiên cứu về muỗi tại NSW Health Pathology và Đại học Sydney Cameron Webb cũng nhận định ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các công thức điều chế thuốc diệt côn trùng hiện tại không còn hiệu quả trong việc kiểm soát quần thể các loài muỗi gây hại chính.
Do đó ngoài việc nghiên cứu hóa chất mới, chính quyền và các nhà nghiên cứu cũng cần tập trung vào các giải pháp khác để bảo vệ cộng đồng như vaccine hoặc loại bỏ các địa điểm muỗi có thể sử dụng để sinh sản. Theo ông Kasai, các cơ quan y tế cũng có thể cân nhắc sử dụng luân phiên các loại hóa chất khác nhau nhắm mục tiêu vào các quần thể khác nhau. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay không có nhiều loại hóa chất có thể được dùng cho mục đích này.
Ở một diễn biến khác, tuy các đột biến kháng thuốc xuất hiện từ khi nào và tại đâu vẫn còn đang là một bí ẩn, ông Kasai hiện đang mở rộng nghiên cứu ở những nơi khác trên khắp châu Á. Đồng thời, ông cũng nghiên cứu nhiều mẫu muỗi tại Việt Nam và Campuchia để xem liệu đã có điều gì thay đổi so với giai đoạn nghiên cứu 2016-2019 hay không.