Theo thông tin đăng tải ngày 27/9, hệ thống tiêm chủng VNVC là đơn vị triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Vắc-xin có tên Qdenga do hãng dược phẩm Takeda của Nhật Bản sản xuất tại Đức, được đưa vào sử dụng lần đầu trên thế giới từ năm 2018.
Vắc-xin Qdenga có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết. Takeda đã nghiên cứu và phát triển vắc-xin này trong gần 45 năm, được phê duyệt sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam, phác đồ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên đến người lớn. Hệ thống VNVC chính thức triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết Qdenga từ ngày 20/9. Tính đến nay, hệ thống đã tiêm và nhận đặt giữ gần 15.000 liều vắc-xin tại 200 trung tâm trên toàn quốc.
Với thế mạnh hơn 10.000 bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế, mạng lưới trung tâm tiêm chủng lớn, cùng với hệ thống kho lạnh và xe lạnh vận chuyển vắc-xin đạt chuẩn GSP, VNVC có thể tổ chức các đội tiêm lưu động đến các trường học, doanh nghiệp, khu dân cư… quy với trình tiêm chủng an toàn để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người lớn trước chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 10 hằng năm.
Sau 5 ngày ra mắt, hệ thống tiêm chủng VNVC đã tiêm và nhận đặt giữ gần 15.000 liều vắc-xin sốt xuất huyết tại gần 200 trung tâm trên toàn quốc. Ảnh: VNVC. |
BS. Trương Hữu Thanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM chia sẻ trong bài đăng của VNVC: "Đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong khi đó, bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm, không còn theo mùa. Cùng với đó, các biện pháp kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn do vấn đề đô thị hóa, giao thương, đi lại".
Hằng năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với hàng chục đến hàng trăm ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế.
Theo BS Khanh, bệnh sốt xuất huyết khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo.