Chuyên gia: Tăng tuổi nghỉ hưu có thể không giúp ích nhiều cho Trung Quốc

Dân số TRUNG QUỐC
16:13 - 27/01/2023
Ấn Độ có khả năng sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2023. Ảnh: shutterstock
Ấn Độ có khả năng sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2023. Ảnh: shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhà kinh tế trưởng Mark Williams tại Capital Economics, động thái tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ “không tạo ra sự khác biệt lớn đối với quy mô lực lượng lao động” của nước này trong bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu học.

Năm 2022, dữ liệu chính thức cho thấy dân số Trung Quốc giảm 850.000 người do số lượng người tử vong nhiều hơn số trẻ em được sinh ra. Dân số Trung Quốc cũng đang bước vào giai đoạn già hóa ngày càng trầm trọng khi số lượng người trên 60 tuổi đạt 280,04 triệu người, chiếm 19,8% tổng dân số. So với năm 2021, số lượng người trên 60 tuổi chỉ chiếm 18.9% dân số ở ngưỡng 267,36 triệu người.

Theo SCMP, số người trên 65 tuổi cũng tăng từ mức 200 triệu trong năm 2021 lên 209,78 triệu người năm 2022, chiếm 14,85% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động (16 - 59 tuổi) của Trung Quốc ở mức 875,56 triệu vào cuối năm 2022, chiếm 62% dân số và giảm so với 62,5% của năm 2021.

Trong bối cảnh đó, chính phủ đã bắt đầu thảo luận về các biện pháp có thể được áp dụng để chống lại các lực cản của khủng hoảng nhân khẩu học lên tăng trưởng kinh tế. Một trong các đề xuất phổ biến chính là nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo luật định.

Thông báo của chính phủ Trung Quốc đầu năm 2022 cho biết sẽ trì hoãn tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Độ tuổi nghỉ hưu mới sẽ là 60 đối với nam, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân lao động bắt đầu từ năm 2025.

Bản thân việc tăng tuổi hưởng lương hưu cũng sẽ làm giảm gánh nặng tài chính đối với dân số già của Trung Quốc vì lương hưu công bắt đầu được trả ở độ tuổi bắt buộc, ngay cả khi người lao động vẫn đang làm việc.

Tuy nhiên theo ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ không tạo ra được sự khác biệt lớn đối với quy mô lực lượng lao động của nước này. Ông Williams giải thích tỷ lệ người trên 65 tuổi làm việc được trả lương ở Trung Quốc vốn cao hơn so với ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn khác.

Việc nâng cao ngưỡng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép lao động nam giới tiếp tục làm công việc được trả lương cao, từ đó có thể hỗ trợ năng suất phần nào nhưng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt đối với quy mô lực lượng lao động.

Mặt khác, nếu chính phủ nâng cao độ tuổi tham gia lực lượng lao động của phụ nữ lên mức tương đương với các quốc gia phát triển, lực lượng lao động của Trung Quốc có thể có thêm 13 triệu người. Dù vậy, con số này cũng chỉ tương đương với 1,8% tổng số việc làm trong khi tỷ lệ phụ nữ từ 20 – 30 tuổi tham gia vào lực lượng lao động tại Trung Quốc cũng tương đối cao.

Trì hoàn khả năng tiếp cận trợ cấp hưu trí của phụ nữ có thể là một phương pháp giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, đây không phải là một sáng kiến tốt do nó có thể khiến các bà mẹ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm việc và còn có thể khiến tỷ lệ sinh sụt giảm hơn nữa.

Trên thực tế, ông Williams dự đoán có nhiều khả năng tuổi nghỉ hưu trung bình tại Trung Quốc sẽ còn giảm trong vài thập kỷ tới ngay cả khi tuổi nghỉ hưu theo luật định được tăng lên. Nguyên nhân là do sự giàu có ngày càng tăng sẽ khiến ít người muốn tiếp tục làm việc sau tuổi 65.

Tin liên quan

Đọc tiếp