Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: VGP |
Công điện nêu rõ, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Nhấn mạnh việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 theo định hướng, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ nhân dân.
Trong quản lý ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.
Đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước cũng là yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đặt ra.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.
Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thủ tướng nhắc lại nhiệm vụ giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Về quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Việc này phải báo cáo Thủ tướng trước 15/12.
Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc. Đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai.
Về quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Liên quan tổ chức bộ máy, quản lý lao động, Thủ tướng quán triệt cần khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, theo Thủ tướng, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả và đề xuất phương án xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.