Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB chủ trì hội nghị |
Đại hội được bắt đầu lúc 9h sáng, với sự tham dự của 33 cổ đông tham dự trực tiếp và 61 cổ đông ủy quyền, đại diện cho hơn 525 triệu cổ phần, tương đương 93,79% vốn điều lệ ngân hàng.
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh được lãnh đạo NCB trình bày tại đại hội, năm 2022, NCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của NCB tăng lên gần 90.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt hơn 73.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt hơn 47.700 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 24,09%, trong khi tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn 18,10%.
Tính đến hết năm 2022, quy mô khách hàng tăng 97.022 khách hàng, tăng tương ứng 13% so với 2021. Trong đó, khách hàng cá nhân tăng 95.192 khách hàng, khách hàng doanh nghiệp tăng 1.826 khách hàng; tỷ lệ khách hàng mới có hoạt động giao dịch tăng 83%; tỷ lệ thẻ tín dụng mở mới tăng 181% so với cùng kỳ, là khởi đầu cho kỳ vọng phát triển vượt trội số lượng thẻ tín dụng trong các năm sắp tới của NCB.
Phó Tổng giám đốc thường trực Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ về các chỉ tiêu tài chính của NCB, các chỉ số lợi nhuận suy giảm trong năm 2022 một phần do ngân hàng đang tập trung nhiều vào nền tảng công nghệ, chuyển đổi số, đây là hoạt động sống còn và bắt buộc trong ngành ngân hàng.
Trong năm 2022, sau các đại án Tân Hoàng Minh và FLC, các hoạt động xử lý nợ của ngân hàng có nhiều khó khăn, bên cạnh đó các khách hàng cũng chịu nhiều áp lực bởi đại dịch Covid - 19. Mục tiêu chiến lược trong 3 năm tiếp theo của NCB là hoán đổi tài sản, xử lý và phân loại nợ xấu.
Tại ĐHĐCĐ, cổ đông của NCB đồng thuận thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, NCB đặt mục tiêu đến cuối năm nay, quy mô tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng; huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.
Tăng vốn lên 11.800 tỷ đồng
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc phát hành riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu, tương đương 111% vốn điều lệ, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng, nhằm tăng vốn điều lệ từ 5.601 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng.
Số cổ phiếu này sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn dự kiến hoàn thành trong 3 năm, từ 2023 - 2025. Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.
Đại diện ngân hàng cho biết việc tăng vốn là cần thiết nhằm nâng cao năng lực tài chính và các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động, nâng cao khả năng phòng ngừa các rủi ro phát sinh, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho khách hàng, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số khách hàng doanh nghiệp (KHDN) và các khách hàng liên quan.
Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương cho biết, ngân hàng thực hiện tăng vốn để tăng năng lực tài chính, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bớt đi chi phí huy động. Về việc lộ trình dài tới 3 năm, ngân hàng đang để đúng lộ trình với đề án tái cơ cấu.
Đối với quyết định không phát hành cho cổ đông hiện hữu mà phát hành riêng lẻ, Chủ tịch NCB chia sẻ ngân hàng đang cần những cổ đông có tiềm lực tài chính, cam kết giúp cho ngân hàng trong thời điểm trung và dài hạn, lượng cổ phiếu phát hành sẽ bị cấm chuyển nhượng trong hàng năm. Điều này cam kết nguồn vốn đi vào sẽ ở lại với ngân hàng trong tương lai.
Theo bà Hương, NCB đang có cổ đông Nhật Bản và ở Anh, tuy không phải là cổ đông lớn nhưng tỷ lệ sở hữu cũng không phải là nhỏ, đây cũng là những đối tác tiềm năng của NCB trong tương lai.
Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát là bà Trần Thị Hà Giang - Trưởng Ban Kiểm soát và bà Trần Thị Minh Huệ, đều có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.