![]() |
Màu xanh dương đại diện cho cổ phiếu giảm sàn, bao phủ thị trường chứng khoán phiên 8/4. |
Thị trường chứng khoán bước vào phiên 8/4 với áp lực bán ra mạnh mẽ, khiến thị trường chìm trong biển đỏ từ những phút giao dịch đầu tiên. Chỉ số VN-Index giảm tới 37,52 điểm ngay sau phiên ATO với biên độ ngày càng được nới rộng. Tới 10h sáng, mức giảm của chỉ số chính sàn HOSE chính thức vượt ngưỡng 70 điểm.
Áp lực bán hạ nhiệt trong khoảng 15 phút cuối phiên sáng, phần nào tiếp thêm hy vọng cho thị trường. Tạm nghỉ giữa giờ, VN-Index dừng ở mức 1.142,93 điểm, giảm 67 điểm, tương đương 5,6% so với tham chiếu. Thanh khoản sụt giảm đáng kể khi chỉ đạt 17.615 tỷ đồng, trong đó, hơn 10.000 tỷ đồng khớp lệnh trong một giờ giao dịch đầu phiên.
Những tưởng VN-Index có thể hồi phục nhẹ từ mức giảm điểm lớn, nhưng thị trường quay trở lại giảm sâu dưới áp lực bán tăng cường. Chỉ trong ít phút giao dịch đầu phiên chiều hôm nay 8/4, biên độ giảm của VN-Index được nới rộng lên hơn 75 điểm, số mã giảm sàn cũng tăng từ dưới 180 mã của phiên sáng lên gần 220 mã.
Như vậy, chỉ trong 3 phiên gần nhất, VN-Index đánh rơi tới hơn 185 điểm, tương đương tỷ lệ 14%, đẩy thị giá về ngưỡng thấp nhất kể từ ngày 1/1/2024. |
Áp lực bán không suy giảm, trong khi bên mua từ chối chi tiền, khiến thị trường liên tục tìm đáy. Chốt phiên 8/4, VN-Index giảm 77,88 điểm về còn 1.132,79 điểm, mất tương ứng 6,43% so với tham chiếu. Toàn sàn HOSE bị nhấn chìm bởi màu xanh dương bởi số cổ phiếu nằm sàn đạt tới 266 mã, trong số 506 mã giảm điểm.
![]() |
Chỉ số VN-Index về mức thấp nhất kể từ ngày 1/1/2024. Ảnh: SSI Iboard |
Duy nhất 11 mã tăng điểm trên sàn HOSE là SVI (6,92%), STG (6,69%), LM8 (5,38%), ABR (2,54%), CLC (2,54%), DXV (0,8%), OPC (9,46%), ADP (0,17%) và TRA (0,15%). Đây đều là những cổ phiếu vốn hóa nhỏ với thanh khoản chỉ ở mức vài nghìn cho đến vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh.
VN30-Index thậm chí còn giảm sâu hơn VN-Index, khi đánh rơi 83,01 điểm, tương đương 6,48%. Toàn nhóm có đúng 6 mã không chạm sàn, tuy nhiên vẫn giảm mạnh bao gồm SSB (-1%), SAB (-1,7%), VJC (-4,3%), LPB (-5,3%), VIC (-5,5%), VHM (-6,6%). 24 mã còn lại đều giảm kịch biên độ, trong đó SHB vẫn còn dư 5,4 triệu đơn vị kê bán giá sàn, tương tự là MBB dư 7,3 triệu đơn vị, HPG dư 19,5 triệu đơn vị, SSI dư 6,7 triệu đơn vị…
Những cổ phiếu đã từng phát tín hiệu tích cực trong phiên cuối tuần trước, hôm nay không tránh được đà giảm chung của thị trường. Trong đó, cổ phiếu LPB vừa tăng kịch biên độ lên 32.950 đồng/CP trong phiên 4/4, hôm nay đảo chiều giảm 5,3% xuống còn 31.200 đồng/CP.
Thanh khoản sàn HOSE phiên 8/4 đạt 1,16 tỷ cổ phiếu giao dịch khớp lệnh trị giá 25.304 tỷ đồng, giảm lần lượt 41,4% và 40,05% so với phiên 4/4. Chỉ số cùng thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước, cho thấy lực mua suy giảm trong bối cảnh lực bán vẫn còn rất lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi bán ròng 15 phiên liên tiếp. Giá trị rút ròng đạt trên 1.700 tỷ đồng ở sàn HOSE, thu hẹp nhiều so với mức 3.700 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng của hai phiên giảm trước đó, một phần do thanh khoản phiên 8/4 sụt giảm mạnh.
Phiên này, khối ngoại bán ròng mạnh MBB (-411,64 tỷ đồng), VHM (-368,98 tỷ đồng), FPT (-323,91 tỷ đồng), STB (-235,49 tỷ đồng), VNM (-164,51 tỷ đồng); ở chiều ngược lại, MWG (99,38 tỷ đồng) và CTG (85,85 tỷ đồng) là 2 mã được mua ròng mạnh nhất thị trường.