
![]() |
Ông Trần Minh Toản (trái) và ông Trương Thái Đạt (phải) tại hội nghị nhà đầu tư của DSC. Ảnh: DSC |
Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2025 tổ chức ngày 9/4, ông Trần Minh Toản - Giám đốc tài chính CTCP Chứng khoán DSC (HOSE: DSC) cho biết trong quý 1/2025, công ty ghi nhận doanh thu đạt 131 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng, giảm tương ứng 2% và 9% so với nền cao của quý 1/2024, tuy nhiên vẫn tăng trưởng lần lượt 19% và 103% so với quý 4/2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 4/4, cổ đông Chứng khoán DSC đã thông qua hoạch kinh doanh năm nay với tổng doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 260,2 tỷ đồng, tăng 12,6% và 18,3% so với kết quả năm 2024.
Như vậy, với kết quả của quý 1/2025, Chứng khoán DSC đã hoàn thành tương ứng 23% và 26% kế hoạch đề ra cho năm 2025.
Theo ông Trần Minh Toản, lợi nhuận từ dịch vụ môi giới đạt 45 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và hoàn thành 19% kế hoạch năm 2025. Hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) cũng ghi nhận 6 tỷ đồng lợi nhuận, tăng mạnh so với cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch năm.
Với hoạt động tự doanh, doanh thu quý 1/2025 đạt 19 tỷ đồng, tăng 877% so với quý liền trước và chiếm 28% tổng lợi nhuận trước thuế. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, DSC đã chủ động hạ quy mô danh mục tự doanh về mức 76 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2025, so với 230 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm, tương ứng giảm 67%.
Về hoạt động cho vay, ông Trần Minh Toản cho biết, tổng giá trị cho vay của DSC tại cuối quý 1/2025 vượt kỷ lục từ khi hoạt động, đạt 2.233 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Biến động thị trường: Trong 'nguy' có 'cơ'
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Thái Đạt – Giám đốc Phân tích DSC đánh giá thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán biến động lớn một cách khó lường. DSC đã lường trước rủi ro, chủ động chốt lời các danh mục lớn của công ty, bao gồm 85% danh mục tự doanh và 100% danh mục ủy thác tính đến thời điểm hiện tại.
Theo ông Đạt, thị trường chịu nhiều tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, tuy nhiên, nhịp bán tháo xảy ra những ngày gần đây có phần thái quá, với nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân của Việt Nam quá lớn kéo theo tâm lý hoảng loạn diện rộng. Do đó, một số mức hỗ trợ quan trọng của VN-Index sẽ là điểm tựa cho nhịp phục hồi kỹ thuật, ví dụ như khu vực 1.050 – 1.100 là hỗ trợ mạnh 3 năm, cũng tương ứng với vùng P/E 11 lần.
“Nhà đầu tư nên chờ đợi điểm mua phù hợp có thể sẽ đến trong tháng 5. Thời gian là yếu tố quan trọng hơn để giúp thị trường tạo đáy đồng thời giúp cuộc thương chiến dần hiện rõ kết quả. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần thời gian để ngồi lại ổn định tâm lý và xem xét lại phương hướng đầu tư trong thời gian tới đây,” ông Đạt nhận định.
Theo Giám đốc Đầu tư DSC, những sự kiện “thiên nga đen” tương tự thường sẽ có những phần thưởng đặc biệt dành cho những nhà đầu tư bình tĩnh, kỹ càng với điểm mua vào.
![]() Bên cạnh kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2024, ban lãnh đạo DSC cũng trình cổ đông 3 phương án phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 2.800 tỷ đồng. |
![]() Theo ông Bạch Quốc Vinh - Tổng giám đốc Chứng khoán DSC, chiến lược phát triển của DSC trong những năm tới sẽ tương đồng với Chứng khoán Bản Việt (nay là Chứng khoán Vietcap), tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư (investment banking - IB). |