Nhóm thép giao dịch tích cực, góp phần giúp thị trường tìm lại mạch tăng điểm. |
Sau 4 phiên liên tiếp tăng hơn 60 điểm, chỉ số VN-Index gặp khó ở ngưỡng kháng cự 1.290 và phải chấp nhận đi lùi, giảm 1,27 điểm về còn 1.283 điểm ở phiên 22/8.
Kịch bản này tiếp tục được lặp lại vào đầu phiên 23/8, khi chỉ số chính của thị trường chứng khoán liên tục biến động quanh tham chiếu. Tình thế giằng co diễn ra xuyên xuốt phiên sáng trong bối cảnh thị trường khan nguồn cảm hứng tăng điểm, trong khi bên bán sẵn sàng chốt lời sau nhịp tăng vừa qua.
Áp lực bán bất ngờ gia tăng ở nhóm VN30 vào cuối phiên sáng khiến chỉ số trượt dốc nhanh chóng. Tạm nghỉ giữa phiên, VN-Index giảm 5 điểm (-0.39%), dừng ở mức 1,277.78 điểm, thanh khoản ở mức thấp với hơn 5.400 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh.
Lực mua quay trở lại vào đầu phiên chiều, giúp VN-Index về gần tham chiếu sau nửa giờ giao dịch. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn không suy giảm, khiến chỉ số chính của thị trường chứng khoán không thực sự bứt phá mà chỉ loanh quanh mốc 1.280 điểm.
Tình thế thay đổi trước phiên ATC khi bên mua áp đảo bên bán, đưa chỉ số VN-Index vượt ngưỡng tham chiếu và giữ sắc xanh cho đến cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch 23/8, VN-Index tăng 2.54 điểm (0,2%), lên mức 1.285,32 điểm; HNX-Index tăng 1,6 điểm (0,67%), lên mức 240,07 điểm. Dù tăng điểm, độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc đỏ với 172 mã tăng và 212 mã giảm trên sàn HOSE. Sắc xanh có phần áp đảo trong rổ VN30 với 13 mã tăng, 8 mã giảm và 9 mã tham chiếu.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 725 triệu đơn vị, tương đương 16.839 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,5% và 7,9% so với phiên 22/8.
Về mức độ ảnh hưởng, GVR, HPG, CTG và VNM là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp 1,925 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, FPT, LPB và VRE là những mã có diễn biến tiêu cực nhất, tuy nhiên tác động không đáng kể.
Sau phiên 22/8 giao dịch không mấy tích cực, cổ phiếu thép đồng khởi phiên chiều, nhiều mã như TIS, BVG, VGS tăng từ 4% - 7%; NKG tăng 3%. Hai anh cả của ngành là HPG và HSG cũng tăng lần lượt 1,2% và 2,2%.
Tương tự, nhiều cổ phiếu đầu ngành bất động sản cũng hồi phục sau phiên giảm điểm trước đó; trong đó DIG, SGR, NVL đều tăng 2%, CEO tăng 1,2%, TCH tăng 1,1%, nhiều mã tăng nhẹ khác là PDR, DXG, BCM... Ở chiều ngược lại, một vài cổ phiếu trụ của ngành như VHM, VGC, KDH giảm điểm nhưng biên độ không quá lớn, đều dưới 1%.