Cổ phiếu nhóm bất động sản đua nhanh xanh, tím. |
Kết phiên 20/9, chỉ số tăng gần 15 điểm so với kết phiên hôm qua, lên mốc 1.226,11 điểm. HNX-Index tăng 4,6 điểm còn UPCoM tăng 0,28 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 22.000 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm gần 3.000 tỷ đồng và vẫn duy trì vị thế bán ròng (giá trị bán ròng 225 tỷ đồng trên sàn HoSE).
HPG bị bán ròng mạnh nhất 178 tỷ đồng. MWG cũng bị bán ròng gần 100 tỷ đồng. CTG, BCM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, GEX, VNM, GVR bị bán ròng 33-46 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất KBC, với giá trị gần 70 tỷ đồng. VIC và VCI cũng được mua ròng hơn 40 tỷ đồng,. Danh sách còn có VHM, VND, VIX, GMD, VRE, DGW, DGC…
Thị trường hồi phục mạnh nhờ lực đỡ từ VIC và VHM khi bộ đôi này tăng lần lượt 3,5% và 2,7%. Trong VN30, GVR tăng mạnh nhất với tỷ lệ 3,6%. Nhiều mã tăng từ 1-2% như BID, BVH, MBB, PLX, SAB, SHB, VIB… Chiều giảm có CTG, GAS, SSB, STB, VCB, VNM, tuy nhiên các mã chỉ điều chỉnh nhẹ.
Không chỉ VIC và VHM, nhiều mã bất động sản hôm nay cũng bật tăng mạnh sau nhiều phiên giảm liên tục, như NLG tăng gần 5%, PDR tăng 4,6%, KDH và DXG tăng hơn 4%, DIG tăng 3,3%, BCM và KBC tăng gần 3%, IJC, QCG, L14, LHG, LDG… tăng 2-3%.
Đáng chú ý, NVL bật tăng kịch biên độ lên 18.500 đồng/cp sau chuỗi giảm giá kéo dài 5 phiên trước đó, khớp lệnh 40 triệu đơn vị và vẫn dư mua trần 2,5 triệu đơn vị. So với mức đỉnh ngắn hạn vừa thiết lập ngày 8/9, thị giá cổ phiếu NVL đã giảm gần 16%. Tuy nhiên, so với mức đáy hồi cuối tháng 3/2023, NVL đã phục hồi gần 80%.
Novaland vừa công bố việc thanh toán một phần 2 lô trái phiếu với tổng số tiền thanh toán là 23,4 tỷ đồng bằng bất động sản. Hai lô trái phiếu này có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng đã đến ngày đáo hạn nhưng NVL chậm thanh toán cả lãi và gốc. Hồi cuối tháng 8/2023, Novaland cũng sử dụng bất động sản để thanh toán cho 7,56 tỷ đồng tiền lãi vay của lô trái phiếu có tổng giá trị 500 tỷ đồng.
Ngoài nhóm bất động sản, “sóng” còn nổi lên ở hai nhóm xuất khẩu là thủy sản và dệt may. Tại nhóm dệt may, cổ phiếu GIL tím trần từ sớm, TCM +2,7%, TNG +6,6%, STK +2,7%, MSH +4%, VGT +6,2%...
Còn tại nhóm thủy sản, ANV dẫn đầu với mức tăng trần. VHC +3,6%, IDI +5,7%, CMX +5,5%, FMC +3,6%, ACL +2,8%...
Một trong những động lực tăng của các nhóm ngành này chính là tình hình xuất khẩu trong các công bố gần đây cho thấy tín hiệu tích cực hơn, và dự báo quý cuối năm sẽ tốt hơn khi thị trường xuất khẩu bước vào mùa tiêu thụ lễ tết.
Các nhóm ngành còn lại cũng đều kết phiên trong sắc xanh. Nhóm chứng khoán chỉ có hai mã giảm giá là HAC và VUA. ORS và VFS tăng trần, VND tăng hơn 2%, SSI tăng 0,7%. SHS tăng hơn 3%. Nhiều mã nhỏ tăng 4-6% như AAS, AGR, BMS, EVS, IVS, SBS…
Nhóm ngân hàng cũng chỉ có 5 mã ở chiều giảm, gồm VCB, VBB, STB, SSB, CTG. Giảm mạnh nhất là SSB 1,1%. Chiều tăng dẫn đầu là OCB +3,9%. TPB, EIB, ABB cũng tăng hơn 2%, còn lại chỉ tăng hơn 1%.
Có thể thấy, VN-Index chỉ chớm thủng mốc 1.210 điểm đã nhanh chóng bật hồi nhờ lực cầu gia tăng. Điểm đáng chú ý trong thời gian gần đây chính là sự vận động của dòng tiền khi luân phiên qua các nhóm ngành giúp thị trường nổi lên những đợt sóng ngắn. Nếu trong phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu thép dẫn dắt thì phiên hôm nay dòng tiền nhanh chóng chuyển hướng qua nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản.
Nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng VN-Index chỉ điều chỉnh tích lũy để hướng lên vùng điểm số cao hơn, khi bối cảnh vĩ mô và doanh nghiệp vẫn tốt dần.