Nhiều người dân và du khách đã lựa chọn các mâm lễ với trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ và thắp hương. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Thực hiện Kế hoạch số 43 ngày 26/1/2024 của UBND huyện Côn Đảo về tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng Côn Đảo văn minh, xanh - sạch - đẹp”, ngày 19/4/2024, Ban Quản lý Di tích Kiêm nhiệm huyện Côn Đảo đã ban hành văn bản số 271 thông báo thời gian thực hiện “Nói không với hàng mã” tại các di tích do UBND huyện quản lý.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, các Di tích thuộc UBND huyện Côn Đảo quản lý gồm: Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ - Khu dân cư số 1; Miếu Thổ Địa - Khu dân cư số 2; An Sơn Miếu - Khu dân cư số 3; Chùa Núi Một - Khu dân cư số 3; Miếu Ngũ Hành - Khu dân cư số 10 chính thức thực hiện việc “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”.
Qua tuần đầu triển khai, về cơ bản, chủ trương này nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách, số lượng hàng mã dâng cúng được hạn chế, việc đốt hương, nhang giảm dần tại các di tích. Nhiều người dân và du khách đã lựa chọn các mâm lễ với trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ và thắp hương, nhang tại các điểm di tích thay vì sử dụng hàng mã, đồ mã và các vật dụng bằng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thực hiện chủ trương bước đầu cũng gặp khó khăn, hạn chế do nhiều cơ sở kinh doanh đồ lễ có ý kiến trái chiều chưa đồng thuận, một số khách du lịch chưa ủng hộ. Dù đã được tuyên truyền nhưng một số trường hợp người dân và du khách vẫn mang nhiều hàng mã vào các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện; một số tài xế của các doanh nghiệp vận tải, tư nhân chưa thực hiện tốt việc thông tin, khuyến cáo đến khách hàng của mình về chủ trương thực hiện hạn chế đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện.
Theo UBND huyện Côn Đảo, việc nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các di tích do UBND huyện quản lý cũng nhằm góp phần thực hiện Đề án “Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 495 ngày 16/3/2023.
Do đó, huyện Côn Đảo mong muốn kêu gọi toàn thể nhân dân và du khách cùng chung tay với chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện” góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, chung tay xây dựng huyện Côn Đảo ngày càng văn minh, xanh - sạch - đẹp.
Những giỏ hoa tươi, mâm lễ thân thiện môi trường trên mộ phần Nữ AHLLVTND Võ Thị Sáu tối 6/7. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Trước đó, ngày 7/6/2023, UBND huyện Côn Đảo đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về triển khai thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo. Tại Kế hoạch này, UBND huyện đề ra lộ trình thực hiện chủ trương trên với 3 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1 (từ ngày 10/6/2023 đến 10/9/2023): Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đến toàn thể người dân, du khách, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, dịch vụ đồ lễ trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2 (từ ngày 11/9/2023): Thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại một số điểm di tích do huyện quản lý và hạn chế việc dâng cúng, đốt vàng mã tại một số điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo quản lý.
Giai đoạn 3 (từ ngày 1/10/2023): Thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt hàng mã tại tất cả các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Côn Đảo hiện có hơn 40 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh các mặt hàng đồ lễ (hoa, trái cây, vàng mã...) và nhiều cơ sở khác có hoạt động mua bán đồ lễ tự phát, tập trung chủ yếu tại khu trung tâm huyện và gần các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa. Trên thực tế, việc kinh doanh các mặt hàng đồ lễ đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho một số hộ gia đình, người dân sinh sống trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, số lượng người dân và du khách thực hiện việc dâng cúng, đốt vàng mã tại Nghĩa trang Hàng Dương, các điểm di tích trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đã xuất hiện các vấn đề bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích trên địa bàn huyện; nơi đốt vàng mã trong các di tích đã xuất hiện tình trạng quá tải, gây khói bụi độc hại ô nhiễm môi trường, làm xuất hiện nguy cơ cháy nổ, đồng thời phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự, gây phiền hà, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và lãng phí nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, việc tự do tuyên truyền, quảng cáo của một số cá nhân, cơ sở kinh doanh đồ lễ trên không gian mạng như: zalo, facebook, youtube, tiktok,... về các nghi thức, lễ cúng tại di tích có biểu hiện mê tín dị đoan, sai lệch lịch sử, tạo thông tin không đúng về giá trị của di tích, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo. |