Công bố quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long với nhiều cơ hội đầu tư

ĐBSCL QUY HOẠCH
15:06 - 21/06/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 21/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới” tại Thành phố Cần Thơ.

Hội nghị nghe công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe giới thiệu các điểm mới nổi bật, ý nghĩa của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng triển khai thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long được xác định giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Đồng bằng Sông Cửu Long hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng.

Đồng thời, vùng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13–NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13–NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Rộng mở cơ hội đầu tư tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Dù đã nhận được nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, việc thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể đạt kết quả cao nhất nếu huy động thành công các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.

Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư quy mô lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

Đại diện 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. Ảnh: VGP
Đại diện 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị công bố quy hoạch này, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; Đại sứ, lãnh đạo tổ chức quốc tế tại Việt Nam có các tham luận làm rõ hơn các vấn đề nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Các nội dung tập trung thảo luận như tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030; xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; văn hóa, thể thao, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 về thế mạnh và khả năng thúc đẩy liên kết vùng.

Nhóm 6 ngân hàng phát triển cam kết tài trợ thực hiện quy hoạch

Cùng trong khuân khổ hội nghị, Lễ trao hồ sơ quy hoạch và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện quy hoạch.

Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, toàn bộ các dự án của hai Bộ và 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khoản tài trợ này có vai trò là nguồn vốn "mồi" để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.

Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham gia cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển". Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham gia cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển". Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, triển lãm ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển” là hoạt động văn hóa chào mừng Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Triển lãm giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giới thiệu tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất và con người khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan

Đọc tiếp