![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Ban Nội chính Trung ương về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng công tác thời gian tới. Ảnh: TTXVN. |
Định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Tại buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ban Nội chính Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay; đồng thời đề nghị Ban Nội chính Trung ương làm rõ nguyên nhân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua như Ban đã thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ công tác thời gian tới mà Ban Nội chính Trung ương đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm 3 định hướng lớn và 6 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến Đại hội XIV của Đảng.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, công tác nội chính phải hướng đến mục tiêu giữ vững ổn định để phát triển đất nước. Ban Nội chính Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng, các cơ quan khối nội chính làm tốt công tác nắm, phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược với Đảng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tham mưu có chủ trương xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp, những nguy cơ, mầm mống có thể gây mất ổn định, bảo đảm luôn giữ thế chủ động trong mọi tình huống.
Để phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay và trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư yêu cầu công tác nội chính, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác cải cách tư pháp phải bảo đảm vừa chống được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Trong tham mưu chỉ đạo xử lý các sai phạm, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Về công tác nội chính, Tổng Bí thư yêu cầu bám sát mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục tham mưu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.
Đây là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cần kiên trì thực hiện một cách nhất quán, xuyên suốt các nhiệm kỳ. Phải tiếp tục khẳng định rõ quan điểm: không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; kiên quyết không dung thứ cho hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm đến Đại hội XIV
Nhấn mạnh 6 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Ban Nội chính Trung ương chủ động nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, giải pháp cụ thể về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
![]() |
Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm 3 định hướng lớn và 6 nhiệm vụ mà Ban cần tập trung thực hiện từ nay đến Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: TTXVN. |
Việc sắp xếp tổ chức sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Ban cần theo dõi, đánh giá, tham mưu kịp thời, bảo đảm hệ thống tư pháp vận hành hiệu quả ngay sau khi sắp xếp.
Ban phải đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm các vụ việc đang theo dõi; hoàn thành các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán, truy tố, xét xử, không để tồn đọng sang nhiệm kỳ mới. Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, tránh thất thoát, lãng phí; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công trước và sau sắp xếp bộ máy.
Ban cũng phải tham mưu thực hiện hiệu quả Chỉ thị 45-CT/TW về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tham gia chất lượng vào công tác nhân sự, kiên quyết không để lọt cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực vào cấp ủy khóa mới.
Ban Nội chính Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng theo dõi tình hình, tham mưu kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý các vấn đề an ninh, trật tự xã hội, không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Ban cần triển khai theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW, đôn đốc các cấp, ngành thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay; tổ chức tổng kết toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, tạo sinh hoạt chính trị sâu rộng trước thềm Đại hội XIV.
Xây dựng cơ quan Nội chính trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu mới
Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng Ban Nội chính Trung ương trong sạch, vững mạnh, thực sự là “tai mắt”, “bộ óc” của Đảng, là cơ quan liêm chính trong nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Cán bộ phải “Chắc - Sắc - Đắc”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới phương thức làm việc, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý các kiến nghị theo quy định.
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Thường trực Võ Văn Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Ban đã chủ trì xây dựng 32 đề án lớn, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định với nhiều quan điểm mới, tạo nền tảng nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
![]() |
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trình bày báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN. |
Trong vai trò Cơ quan Thường trực hai Ban Chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Nội chính đã chủ động, sáng tạo, thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra quyết liệt, đồng bộ.
Ban cũng phối hợp chặt với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; đôn đốc thực hiện các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp; tham gia thẩm định các đề án, dự án luật và công tác cán bộ một cách khách quan, nghiêm túc, đúng quy định.