Chứng khoán MB. |
Cụ thể, Chứng khoán MB ghi nhận doanh thu hoạt động trong quý vừa qua đạt 806 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính tới từ mảng tự doanh với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) cao gấp 11 lần cùng kỳ, đạt 286 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng 44% lên 266 tỷ đồng; còn lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 36% lên 57 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu môi giới sụt giảm 38% so với quý 3/2023, xuống mức 133 tỷ đồng. Lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 16% xuống mức 42 tỷ đồng.
Cùng đà tăng của doanh thu, chi phí hoạt động của MBS trong quý 3/2024 cũng tăng mạnh 118% so với cùng kỳ năm trước, lên 377 tỷ đồng. Trong đó, phần lỗ từ bán các tài sản FVTPL ở mức 235 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ lỗ 1,6 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy trong quý 3/2024, MBS đẩy mạnh hoạt động tự doanh, riêng nghiệp vụ mua bán các tài sản FVTPL mang về lãi thuần 51 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của MBS trong quý 3/2024 đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng giảm khoảng 18% so với mức lợi nhuận kỷ lục của quý 2/2024, đồng thời ngắt mạch 6 quý liên tiếp tăng trưởng so với quý trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, MBS mang về 2.363 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 724 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 578 tỷ đồng, cùng tăng 41%.
Năm 2024, công ty chứng khoán lên kế hoạch doanh thu đạt 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 53% và 36% so với thực hiện năm trước. Như vậy sau 9 tháng, MBS đã hoàn thành gần 78% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của MBS đạt hơn 19.500 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản mục FVTPL ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Đây chủ yếu là trái phiếu niêm yết (991 tỷ đồng), giấy tờ có giá khác (616 tỷ đồng).
Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) gần 3.800 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 3.100 tỷ là tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn. Khoản mục AFS hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng và chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết (1.812 tỷ đồng), cổ phiếu niêm yết (268 tỷ) và cổ phiếu chưa niêm yết (118 tỷ). Công ty không thuyết minh cụ thể về các khoản mục này.
Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán đạt 9.866 tỷ đồng, giảm nhẹ 113 tỷ đồng sau một quý. Riêng dư nợ margin đạt 9.671 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty MBS tại thời điểm cuối quý 3/2024 ở mức gần 13.400 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu là vay ngắn hạn tại các ngân hàng. Công ty có hơn 1.000 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Trên thị trường, cổ phiếu MBS đang giao dịch ở vùng giá đỉnh gần 32.000 đồng/cp, tăng gần 70% so với đầu năm 2024.
Nhà đầu tư mạnh tay vay margin, MBS đạt lợi nhuận quý 2/2024 cao kỷ lục |
Triển vọng ngành chứng khoán: Cho vay ký quỹ vẫn là động lực |
Lợi nhuận các ngân hàng quý 3: Phục hồi từ mức nền thấp |