Cuộc đua CASA: Ngân hàng MB bền bỉ giữ ngôi vương

CASA NGÂN HÀNG
17:43 - 04/08/2023
Ảnh: Sơn Quách
Ảnh: Sơn Quách
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt kể từ cuối quý 1/2023, tỷ lệ CASA tại phần lớn ngân hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong quý 2. MB tiếp tục giữ vị trí quán quân về CASA với tỷ lệ 36,5%.

Sau khi ghi nhận sụt giảm mạnh trong quý 1/2023, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã có tín hiệu tăng trở lại trong quý 2/2023.

Theo dữ liệu từ Wigroup, tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng đã giảm từ 20,34% cuối năm 2022 về 17,56% vào cuối quý 1 và phục hồi lên 18,09% ở cuối quý 2/2023.

Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, có 21/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng trở lại vào thời điểm cuối quý 2/2023.

MB tiếp tục giữ vị trí quán quân về tỷ lệ CASA

So với cuối năm ngoái, thứ hạng về tỷ lệ CASA của 10 nhà băng hàng đầu không thay đổi. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vẫn giữ vị trí quán quân sau khi soán ngôi vương về tỷ lệ CASA của Techcombank vào cuối năm 2022. Quý 2/2023, tỷ lệ CASA của MB đạt mức 37,1%, tăng lên 1,6% so với quý liền kề. Đây là dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận khi mà CASA của ngân hàng này đã có sự suy giảm trong hơn một năm qua.

Không kém cạnh, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), cựu quán quân tỷ lệ CASA ngành ngân hàng cũng đuổi sát nút với tỷ lệ 34,9%.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, tiền gửi khách hàng tại Techcombank cuối tháng 6/2023 đạt 381.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và đi ngang so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi tăng lên mức 34,9%, từ mức 32% cuối quý 1, cho thấy sự phục hồi đáng kể.

Ngân hàng cũng kỳ vọng CASA sẽ cải thiện trong suốt 6 tháng còn lại của năm 2023 do lãi suất đã bắt đầu ổn định trở lại và việc tăng trưởng CASA vẫn là một trọng tâm quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Techcombank.

Vị trí Top 3 tỷ lệ CASA thuộc về Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) khi ghi nhận 29% cuối quý 2/2023. Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank trong 6 tháng đầu năm cũng tăng gần 7% lên 1.326.854 tỷ đồng.

Vietcombank cũng là quán quân lợi nhuận toàn ngành, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận của Vietcombank cũng bỏ xa những ngân hàng phía sau.

Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) và Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB, HoSE: ACB) với tỷ lệ 24,2% và 20,5%.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tiếp tục nằm ở vị trí thứ 6 với tỷ lệ CASA cuối quý 2/2023 đạt 18,6%.

Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.860.105 tỷ đồng, đứng thứ hai toàn hệ thống. Trong đó cho vay khách hàng tăng 6,6% lên 1.359.357 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại VietinBank cũng tăng gần 5% lên 1.310.048 tỷ đồng.

Sacombank, BIDV , TPBank, PGBank lần lượt nắm giữ những vị trí cuối cùng trong Top 10 tỷ lệ CASA với tỷ lệ giao động trong khoảng 15%-17%. Trong đó, Sacombank đạt 16,8%; BIDV đạt 16,6%; TPBank đạt 16,4%; PGBank đạt 15,7%.

Nhìn chung, tỷ lệ CASA dù chưa trở lại mức cuối năm 2022, tuy nhiên đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi so với quý 1/2023.

Theo giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân CASA phục hồi đến từ việc mặt bằng lãi suất bắt đầu có dấu hiệu đi xuống sau chính sách tiền tệ linh hoạt cùng 4 lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp của NHNN. Theo đó, xu hướng gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn người dân nhiều như trước mà chuyển dần sang hình thức tiền gửi không kỳ hạn để chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư vào những kênh như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,...

Nếu xét về số dư tiền gửi không kỳ hạn, tính đến cuối quý 2/2023, Vietcombank giữ vị trí hàng đầu, với gần 384.000 tỷ đồng.

Vị trí thứ 2 và 3 lần lượt thuộc về hai đại diện khác từ Big4 là BIDV và VietinBank, với số dư khoảng 257.000 tỷ đồng và 244.000 tỷ đồng.

MB, quán quân về tỷ lệ CASA, đứng vị trí thứ 4 với gần 174.000 tỷ đồng tiền gửi. Vị trí số 5 thuộc về Agribank với hơn 165.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.

Dự báo tỷ lệ CASA toàn ngành cải thiện từ nửa sau 2023

Trong báo cáo báo vĩ mô có tựa đề “Chắc tay chèo, vượt giông bão” vừa công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2023.

Về thu hút tiền gửi không kỳ hạn, VCBS cho biết, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm mạnh xuống 17,6% vào quý I/2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng nhanh hấp dẫn dòng tiền chảy ra khỏi tài khoản thanh toán, cùng với việc các doanh nghiệp rút tiền phục vụ nhu cầu về vốn hoạt động và thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài chính, trong đó có mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 0,29% từ mức đỉnh 0,41% trong tháng 10/2022, hiện tương đương mức trước dịch Covid, giúp chi phí CASA giảm về mức thấp.

"Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào như: Vietcombank, MBB, Techcombank,… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp. Chúng tôi cho rằng việc xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp cho tỷ lệ CASA toàn ngành cải thiện kể từ nửa sau của năm 2023", VCBS nhận định.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.