Cuộc ‘hội ngộ’ của 2 tập đoàn tại dự án nhà ở xã hội 3.300 tỷ đồng ở Hải Phòng

NOXH hải phòng
07:05 - 12/06/2023
Một góc Hải Phòng. Ảnh minh họa: Duy Quyền
Một góc Hải Phòng. Ảnh minh họa: Duy Quyền
0:00 / 0:00
0:00
Dự án Khu nhà ở xã hội Đông Hải 2 với quy mô dân số xấp xỉ 12.000 người và tổng mức đầu tư vượt ngưỡng 3.300 tỷ đồng, sẽ là một trong những dự án nhà ở xã hội (NOXH) lớn nhất địa bàn TP Hải Phòng.

Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hải Phòng vừa công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư Xây dựng Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng (dự án Khu nhà ở xã hội Đông Hải 2).

Dự án có diện tích 22,5 ha, bao gồm các sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, trong đó khu nhà ở xã hội được xây dựng trên khu đất 6,86 ha, diện tích xây dựng 3,09 ha, diện tích sàn khoảng 27,8 ha, gồm 13 tòa chung cư 9 tầng, tương đương 2.347 căn hộ.

Khu nhà ở thương mại có diện tích đất 1,7ha trong đó khu nhà ở liên kế chiếm gần 1,3 ha (diện tích xây dựng 1,02 ha, diện tích sàn 5,1ha) gồm 117 căn nhà cao 5 tầng; một tòa chung cư cao 10 tầng khoảng 138 căn được xây dựng trên diện tích 0,3 ha với diện tích sàn 3,3 ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.305 tỷ đồng, trong đó sơ bộ chi phí thực hiện là 3.268 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 37 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị TP Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và giải quyết nhu cầu về chỗ ở đô thị cho khoảng 12.000 người.

Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, tính tới thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, có 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án phường Đông Hải 2, bao gồm liên danh CTCP Tổng Công ty MBLand, CTCP Phát triển Bất động sản MBHomes, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2, CTCP Xây dựng – Thương mại Xuân Trường; Liên danh CTCP MBLand Đà Nẵng, Công ty TNHH Thăng Long, CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Vinh; Liên danh Công ty TNHH Tùng Dương, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đô thị Tân Thái Bình Dương và cuối cùng là liên danh CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner, CTCP Đầu tư Thành phố Vàng.

Trụ sở MBLand tại tầng 4, Tháp A, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Minh Phong

Trụ sở MBLand tại tầng 4, Tháp A, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Minh Phong

Trong số các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, đáng chú ý hơn cả là liên danh của CTCP Tổng Công ty MBLand.

MBLand được thành lập năm 2008 với hai cổ đông chính là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) và Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank (thông qua công ty con MB AMC).

Sau hơn một thập kỷ hoạt động và phát triển, MBLand hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản có tiếng tại thị trường miền Bắc với hàng loạt dự án tầm cỡ như dự án Central Field tại 219 Trung Kính, dự án Golden Field tại Ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Dự án Resilient Field tại Cam Ranh, Dự án Grand Field tại huyện Long Thành, Đồng Nai…

Vào cuối năm 2018, 2 cổ đông sáng lập của MBLand tiến hành thoái vốn cho nhóm cổ đông của doanh nhân Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNT.

Dưới sự dẫn dắt của giới chủ mới, MBLand nhanh chóng có những bước tiến lớn như hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Bất động sản Trí Nguyễn thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại, tài chính, dịch vụ và nhà ở tại xã Can Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, mua lại CTCP Đầu tư Sinh thái Đại Dương - chủ đầu tư dự án hỗn hợp 1.600 tỷ đồng tại TP Hạ Long…

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, cả 3 nhà đầu tư còn lại đều có liên hệ mật thiết tới CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner

Đối với nhà đầu tư đầu tiên là liên danh Công ty TNHH Thăng Long, CTCP MBLand Đà Nẵng và CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Vinh, Thăng Long và Thương mại Vinh là những pháp nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn Eurowindow Holding của anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng.

Pháp nhân còn lại của liên danh - CTCP MBLand Đà Nẵng từng là một thành viên của Tổng Công ty MBLand. Tính đến đầu tháng 12/2021, Chủ tịch HĐQT của MBLand Đà Nẵng là ông Nguyễn Đức Hải (SN 1980), Tổng giám đốc của công ty là ông Lê Duẩn (SN 1985).

Ông Nguyễn Đức Hải hiện là người đại diện pháp luật của CTCP Tasmania Energy trong khi ông Lê Duẩn từng là Tổng giám đốc của Công ty TNHH B&F. Những pháp nhân này đều là các thành viên trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner.

Nhà đầu tư thứ 2 là liên danh CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đô thị Tân Thái Bình Dương và Công ty TNHH Tùng Dương.

Tân Thái Bình Dương được thành lập năm 2017 và từng là thành viên của Tập đoàn Thaigroup (tỷ lệ sở hữu 50%).

Đối tác của Tân Thái Bình Dương - Công ty TNHH Tùng Dương được thành lập năm 2002, trụ sở tại đường Cát Cụt, phường An Biên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Tính đến ngày 26/3/2022, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty là ông Vi Quốc Tuấn – cổ đông lớn nhất sở hữu 77% vốn điều lệ của Tùng Dương.

Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, ông Tuấn hiện đứng tên CTCP Tasmania Tùng Dương, đơn vị thành viên của Tập đoàn Tasmania & Partner, bản thân Tùng Dương cũng là cổ đông góp 49% vốn thành lập công ty này.

Cuộc “hội ngộ” của MBLand và Tasmania & Partner

Nhà đầu tư cuối cùng là CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner và CTCP Đầu tư Thành phố Vàng.

CTCP Đầu tư Thành phố Vàng được thành lập ngày 6/2020 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất sở hữu 50% cổ phần công ty là ông Trương Anh Tuấn. Doanh nhân sinh năm 1964 được biết đến là Chủ tịch HĐQT của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) - doanh nghiệp đang cùng Thành phố Vàng thực hiện dự án nhà ở xã hội Golden City rộng 3,3 ha tại phường 2, tp Tây Ninh.

Đối tác của Thành phố Vàng - Tập đoàn Tasmania & Partner tuy kín tiếng hơn nhưng lại không hề thua kém về tiềm lực.

CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner được thành lập tháng 4/2015 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư VCN Quốc tế. Tính đến tháng 5/2018, công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, thuộc sở hữu 99,995% của bà Vũ Thị Hương Giang. Đáng chú ý, bà Hương Giang chính là phu nhân của ông Vũ Thành Huế - một trong những cựu lãnh đạo quan trọng của MBLand.

Ông Vũ Thành Huế từng có nhiều năm nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của MBLand trước khi từ nhiệm mọi chức vụ vào tháng 7/2018, 3 tháng trước khi 2 cổ đông sáng lập nắm giữ 95% vốn điều lệ công ty là Tổng công ty Trực thăng và MBBank tiến hành thoái vốn.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Tasmania & Partner hiện là bà Vũ Thị Hương Giang, bà Giang cũng là người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư F&S - doanh nghiệp có cùng trụ sở với Tasmania & Partner tại 113 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, TP HCM.

F&S được thành lập năm 2017 với cổ đông sáng lập là Công ty TNHH B&F (51%), CTCP Đầu tư Golden Field Quốc tế (30%) và Công ty TNHH MTV Đông Phú 1932 (19%).

Giai đoạn 2017-2018, nhóm nhà đầu tư này cùng với các bên liên quan đã hợp tác với MBLand thành lập nhiều doanh nghiệp có họ MBLand như CTCP MBLand Tonkin Property, CTCP MBLand Tonkin Phú Yên, CTCP MBLand Tonkin, CTCP MBLand Tonkin Property Quảng Ninh, CTCP MBLand Tonkin Hội An...

Đáng chú ý, CTCP Đầu tư F&S từng là một trong 4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá 20,28 triệu cổ phần tại MBLand thuộc sở hữu của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, bên cạnh ông Nguyễn Gia Long, em trai Nguyễn Gia Khoa và CTCP Tập đoàn Mường Phăng.

Cuộc đấu giá từng được kỳ vọng sẽ diễn ra cạnh tranh với 4 nhà đầu tư tham dự. Tuy nhiên trên thực tế, tại buổi đấu giá 5 năm về trước, bên thắng cuộc là Tập đoàn Mường Phăng sau khi trả giá 251 tỷ đồng, tức chỉ 200 triệu đồng cao hơn giá khởi điểm.

Tập đoàn Mường Phăng là cơ ngơi riêng của anh em ông Nguyễn Gia Long, tính đến ngày 5/10/2018, các cổ đông sáng lập của công ty là ông Nguyễn Gia Long (70%), ông Nguyễn Gia Khoa (15%) và ông Nguyễn Bá Huấn (15%).

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.