Đại sứ Philippines: Quan hệ thương mại song phương vẫn còn nhiều dư địa phát triển

Đại sứ Philippines: Quan hệ thương mại song phương vẫn còn nhiều dư địa phát triển

Việt nAM Philippines
08:35 - 20/09/2022

Philippines là nước thành viên ASEAN thứ tư thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1976. Hai nước cũng trở thành Đối tác chiến lược của nhau với thỏa thuận được ký kết năm 2015. Tới nay, Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong số các quốc gia thành viên ASEAN, và là đối tác chiến lược thứ ba của nước này sau Mỹ và Nhật Bản.

Quan hệ giữa Philippines và Việt Nam không ngừng được củng cố thông qua Đối tác chiến lược và hiện được định hướng bởi Kế hoạch Hành động 5 năm Việt Nam - Philippines giai đoạn từ 2019 đến 2024. Kế hoạch Hành động thể hiện cam kết của cả hai Chính phủ trong nhiều lĩnh vực hợp tác đa dạng, từ chính trị, an ninh quốc phòng đến kinh tế thương mại, hàng hải, nông nghiệp, du lịch, thể thao…

Để hiểu rõ hơn về quan hệ thương mại giữa hai nước thời gian qua cũng như những triển vọng, thách thức trong thời gian sắp tới, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Meynardo Los Banos Montealegre - Đại sứ Philippines tại Việt Nam.

Mekong ASEAN: Sau 3 năm thông qua Kế hoạch hành động Việt Nam - Philippines triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2024, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Việt Nam và Philippines vốn là những người bạn rất thân thiết. Năm ngoái, hai nước đã kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào năm 2015, chúng ta nâng tầm quan hệ từ đối tác song phương lên đối tác chiến lược, từ đó thêm nhiều thuận lợi để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia, thúc đẩy hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.

2020 và 2021 là 2 năm đầy thách thức đối với cả Philippines và Việt Nam trong việc thực hiện Kế hoạch hành động. Dù có rất nhiều hoạt động song phương tiềm năng phải hoãn lại khi thế giới vật lộn với đại dịch, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines. Tương tự như vậy, các cơ chế đối thoại và tham vấn vẫn được duy trì, từ đó cho phép đạt được những thành tựu nhất định trong quan hệ hai nước, cũng như đảm bảo duy trì quan hệ thương mại liên tục.

Vào năm 2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và hai Chính phủ khi đó đã đồng ý tiếp tục thỏa thuận nhập khẩu gạo ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Giờ đây, nền kinh tế Việt Nam và Philippines đã lấy lại đà phát triển, chúng ta có thể tiếp tục theo đuổi Kế hoạch hành động, bao gồm cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại. Cuộc họp này nhằm đảm bảo các cuộc tham vấn thường xuyên về hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế song phương có thể bắt đầu được lên kế hoạch tiến hành.

Mekong ASEAN: GDP của Việt Nam và Philippines đều tăng trưởng hơn 7% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nền kinh tế của hai nước đã phục hồi. Theo ông đâu là giải pháp hiệu quả để chúng ta đạt được kết quả này?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Tôi tin rằng GDP của Philippines sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2022 khi các hạn chế đại dịch đã được nới lỏng và thị trường có sự lạc quan mới dưới thời Chính phủ mới. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Philippines cho năm 2022 sẽ là 6,5%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính con số này sẽ vào khoảng 6,7%.

Theo tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên là nhờ việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch có chủ ý nhưng được tính toán cẩn thận, kết hợp với những tác động tích cực của việc tiêm vaccine hàng loạt nhằm chống lại Covid-19. Phần lớn những người có đủ điều kiện làm việc rất mong muốn được tiêm vaccine để quay lại với công việc của mình. Cuộc bầu cử quốc gia đã diễn ra như dự kiến ​​và học sinh, sinh viên cũng lần lượt quay trở lại trường học.

Ở khu vực Metro Manila và các tỉnh, thành phố xung quanh nơi tập trung phần lớn các hoạt động kinh tế, Chính phủ Philippines dần nới lỏng các hạn chế. Cùng với việc hạ thấp mức cảnh báo, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh được phép mở cửa dần cho đến khi khôi phục trở lại công suất hoạt động trước đại dịch.

Tôi nghĩ rằng các hoạt động thương mại và công nghiệp được cải thiện cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản và du lịch địa phương của Philippines. Bắt đầu từ tháng 4/2022, Philippines đã cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh mà không cần cách ly và tới cuối tháng 5, du khách quốc tế đến Philippines không còn phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ và được tiêm mũi nhắc lại.

Con đường phục hồi kinh tế của Việt Nam từ đại dịch Covid-19 rất giống với con đường của Philippines. Điều này có nghĩa là cả hai nước đều phục hồi thông qua việc nới lỏng các hạn chế một cách thận trọng và có kiểm soát, cùng với việc tiêm phòng vaccine trên diện rộng đối với toàn bộ dân số.

Chính vì điều này, tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến kinh tế Việt Nam cũng phục hồi nhanh chóng. Tôi tin tưởng rằng sự phục hồi kinh tế này sẽ được duy trì hơn nữa với sự hỗ trợ toàn diện từ Nhà nước và sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ.

Mekong ASEAN: Ông nhận định ra sao về tình hình giao thương giữa hai nước trong thời gian qua? Chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao đang là thách thức với hầu hết các quốc gia. Theo ông, đây có phải trở ngại với xuất nhập khẩu hai nước thời gian tới và cần có động thái gì để khắc phục?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Tính đến tháng 6/2022, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu và nằm trong số 10 nhà nhập khẩu lớn của Philippines. Xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines đạt gần 2,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 (cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021) với các mặt hàng chủ chốt bao gồm gạo, thiết bị truyền tải, bán thành phẩm sắt và thép không hợp kim, xi măng Portland; các nguyên liệu, vật tư khác để sản xuất điện và máy móc; thiết bị điện tử và các linh kiện khác.

Trong khi đó, xuất khẩu của Philippines sang Việt Nam chủ yếu bao gồm vi mạch tích hợp nguyên khối kỹ thuật số, thiết bị bán dẫn, máy móc, thiết bị điện, điện tử và các bộ phận khác; tăng 25,6% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái (từ mức 681,38 triệu USD lên 855,53 triệu USD).

Tôi cho rằng thương mại song phương giữa Philippines và Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đồng thời cho thấy triển vọng lớn về việc mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại Philippines - Việt Nam.

Về việc tăng chi phí sản xuất và cước phí vận tải chủ yếu do giá nhiên liệu đúng là thách thức đối với nhiều quốc gia. Bên cạnh đó là sự gián đoạn nguồn cung khiến nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ gặp khó khăn. Tuy nhiên tôi cho rằng, khía cạnh tích cực giữa quan hệ thương mại Philippines và Việt Nam là về mặt địa lý, khi chúng ta có thể tận dụng khoảng cách gần gũi để vượt qua các thách thức đó, so với những đối tác thương mại khác.

Mekong ASEAN: Ngoài mặt hàng gạo được tiêu thụ nhiều nhất, theo ông những mặt hàng tiềm năng nào khác của Việt Nam có thể tiến vào thị trường Philippines và doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý điều gì nếu muốn nhanh chóng chinh phục thị trường?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, may mặc và các mặt hàng gia dụng khác sẽ có tiềm năng tốt ở Philippines. Chi tiêu cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình Philippines trong nửa đầu năm 2022 đã tăng 8,6%.

Thêm vào đó, ngành xây dựng của chúng tôi cũng phát triển mạnh mẽ và ghi nhận mức tăng trưởng 19% từ tháng 1 đến tháng 6/2022. Lĩnh vực bất động sản cũng vẫn sôi động, từ đó thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế của các dịch vụ phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng và các đồ gia dụng khác.

Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét đầu tư mạnh mẽ vào việc sản xuất các sản phẩm này tại Philippines. Nguyên nhân là do người tiêu dùng Việt Nam và Philippines có thị hiếu và thói quen chi tiêu giống nhau, đồng thời cả hai nước đều có dân số tương đối trẻ với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng - những người sẽ có nhu cầu và khả năng chi tiêu ngày càng lớn.

Mekong ASEAN: Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Philippines và Philippines đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn. Theo ông đâu là giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dấn sâu hơn vào thị trường của nhau?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Đúng là số lượng doanh nghiệp Philippines đầu tư sang Việt Nam và ngược lại chưa nhiều. Trên thực tế, tiềm năng cho lĩnh vực này còn rất nhiều và có thể được khai thác, tận dụng nhiều hơn nhằm nâng cao, cải thiện giao thương giữa hai nước. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi nhắc đến việc chúng ta cần tập trung vào các cơ chế song phương để thúc đẩy số lượng doanh nghiệp.

Mekong ASEAN: Với tư cách là Đại sứ, trong thời gian tới, ông muốn thúc đẩy điều gì nhất để tăng cường hợp tác kinh tế và thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Philippines?

Đại sứ Meynardo Los Banos Montealegre: Mục tiêu chính của tôi về mặt thương mại và đầu tư là tăng cường sự hiện diện của các sản phẩm chất lượng của Philippines tại Việt Nam. Chúng tôi đã có các công ty Philippines với mức đầu tư lớn tại Việt Nam như Liwayway Marketing Corporation, Universal Robina Corporation, Jollibee, Philippine Airlines và Cebu Pacific với các chuyến bay thẳng đến và đi từ Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều thương hiệu Philippines có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng và dịch vụ chất lượng cho thị trường Việt Nam. Hiện cũng có rất nhiều công ty của Philippines đang tìm kiếm các nguồn cung cấp và đầu vào tiềm năng, và tôi nghĩ rằng Đại sứ quán Philippines có thể giúp họ tìm được đối tác tại Việt Nam.

Ở cấp độ chính sách, tôi mong muốn Đại sứ quán Philippines có thể giúp Philippines và Việt Nam tận dụng tất cả các cơ chế song phương hiện có để đối thoại và hợp tác kinh tế hơn nữa. Từ đó, hai quốc gia có thể tiếp tục mong đợi những thành tựu hợp tác kinh tế và thương mại.

Tôi cũng mong muốn tăng cường sự quan tâm của người Việt Nam đối với Philippines thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân và thông qua các dự án hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và hợp tác văn hóa thông qua các thỏa thuận thành phố kết nghĩa hoặc tỉnh kết nghĩa và du lịch.

Mekong ASEAN:Xin cảm ơn Ngài Đại sứ!

Đọc tiếp