Đắk Lắk khai mạc lễ hội cà phê lớn nhất từ trước đến nay

cà phê Đắk Lắk
09:14 - 11/03/2023
Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023. Ảnh: UBND Đắk Lắk.
Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023. Ảnh: UBND Đắk Lắk.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 – 14/3 với nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh những người trồng, chế biến, kinh doanh cà phê trên cả nước.

Tối 10/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023 chính thức khai mạc, giới thiệu, tôn vinh và quảng bá hình ảnh, giá trị di sản về văn hóa cà phê, con người, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới", sự kiện là thông điệp thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế cà phê Buôn Ma Thuột.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 cũng được coi lễ hội lớn nhất từ trước tới nay.

Tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, sẽ từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến cà phê thế giới, là "thành phố cà phê của thế giới".

Dự lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới với 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên hiện nay, cà phê Việt Nam có chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến còn hạn chế, với nhiều thách thức của biến động thị trường.

Trước những hạn chế đó, Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ và địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê, thực hiện hiệu quả tái canh cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn và xây dựng chuỗi giá trị cà phê.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ hội cà phê. Ảnh: UBND Đắk Lắk.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ hội cà phê. Ảnh: UBND Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, ngành cà phê cần nắm bắt xu thế tiêu dùng của thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, marketing, định vị thương hiệu phù hợp.

Các địa phương chú trọng xúc tiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; đa dạng kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc thù được chứng nhận quốc tế.

Là tỉnh chiếm 30% sản lượng xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, với diện tích cà phê hơn 200 nghìn và sản lượng thu hoạch hàng năm trên 500 nghìn tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam.

“Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần là nơi để hội tụ và tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Sự kiện này cũng là cơ hội để các địa phương quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch”, ông Nghị chia sẻ.

Theo Ban tổ chức, lễ hội được tổ chức lần này có các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 H'Hen Niê tham dự Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023. Ảnh: UBND Đắk Lắk.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 H'Hen Niê tham dự Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023. Ảnh: UBND Đắk Lắk.

Lễ hội còn diễn ra hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên...

Một trong những hoạt động chính của lễ hội là Triển lãm chuyên ngành cà phê với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 400 gian hàng, kỳ vọng thu hút khoảng 200.000 lượt khách tham quan.

Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê năm nay tập trung vào quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, quảng bá sản phẩm, liên kết hợp tác phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư.

Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp.

Trong đó, nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp