Lễ hội truyền thống đền Xưa diễn ra trong 2 ngày
Theo kế hoạch tổ chức của UBND huyện Cẩm Giàng, Lễ hội truyền thống đền Xưa năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày 13- 14/3 (tức từ ngày 14 - 15/2 âm lịch), tại di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong đó, lễ khai hội sẽ diễn ra từ 8h sáng ngày 14/3 (tức ngày 15/2 âm lịch).
Cụ thể, buổi chiều ngày 13/3 (tức ngày 14/2 âm lịch) sẽ diễn ra lễ mở cửa đền, tế cáo yết. Từ 8h - 10h sáng 14/3 (sáng 15/2 âm lịch) diễn ra lễ khai hội có văn nghệ chào mừng, diễn văn khai hội, đánh trống khai hội, cung tuyên văn tế Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, các đại biểu và nhân dân dâng hương; buổi chiều 14/3 từ 13h30 – 16h30 (chiều 15/2 âm lịch) sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, đón tiếp các đoàn nhân dân và du khách thập phương dâng hương; buổi tối 14/3 từ 19h30 - 21h30 (tối 15/2 âm lịch) tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng lễ hội.
Ngày 15/3 (ngày 16/2 âm lịch), Ban tổ chức đón tiếp các đoàn nhân dân và du khách thập phương dâng hương, diễn ra tế tạ.
![]() |
Di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa tọa lạc tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu. |
Đại diện Ban tổ chức lễ hội cho biết, việc tổ chức lễ hội truyền thống đền Xưa hàng năm nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội; giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương trong việc thực hiện, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc.
Theo tài liệu lịch sử địa phương, đền Xưa được xây dựng tại Nghĩa Lư trang (tên nôm là làng Xưa) nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), quê hương của Đại danh y Tuệ Tĩnh. Ngôi đền được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII, đến thời Nguyễn di tích được trùng tu 2 lần vào các năm Thành Thái 2 (1890) và Bảo Đại 3 (1929), bên cạnh đình chợ (đình làng).
Khi khởi dựng, di tích đền Xưa có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, bên trong hậu cung đặt tượng thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh chất liệu gỗ. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ tứ thiết, các con rường, đấu, bẩy được chạm khắc lá lật tạo sự thanh thoát, nhẹ nhàng mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1990.
![]() |
Lễ hội truyền thống đền Xưa năm 2025 diễn ra trong 2 ngày 13- 14/3 (tức từ ngày 14 - 15/2 âm lịch). Ảnh tư liệu. |
Từ năm 2006 đến nay, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo một số di tích tiêu biểu gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Tuệ Tĩnh, trong đó có đền Xưa. Di tích đền Xưa còn phối thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho – một công thần triều Lê, có công với dân với nước và cũng là người con của quê hương Nghĩa Lư trang xưa và Nghĩa Phú ngày nay.
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền diễn ra từ ngày 15 - 17/3
Cũng theo kế hoạch của UBND huyện Cẩm Giàng, lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15 - 17/3 (tức từ ngày 16 -18/2 âm lịch). Các nghi lễ và hoạt động diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, thôn Mậu Tài, xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
![]() |
Văn miếu Mao Điền tọa lạc tại thôn Mậu Tài, xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu. |
Trong đó, vào lúc 14h ngày 15/3 (tức 14h ngày 16/2 âm lịch) diễn ra tế cáo yết. Ngày 16/3 (ngày 17/2 âm lịch) chương trình khai hội diễn ra từ 7h30 - 10h sẽ có văn nghệ chào mừng, diễn văn khai hội, đánh trống khai hội, công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương về công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đối với di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, ra mắt hệ thống Cơ sở dữ liệu và Bản đồ số di tích huyện Cẩm Giàng năm 2025 (giai đoạn 1), lễ cắt băng khai mạc Ngày hội sách năm 2025, tiến chữ dâng Thánh, cung tuyên văn tế đức Thánh Khổng Tử cùng các vị đại khoa, các đại biểu và nhân dân dâng hương, các đại biểu và nhân dân tham quan các gian hàng trưng bày ngày hội sách, chuyển đổi số quét mã QR code số hóa 3D 360 giới thiệu về khu di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, tham quan trải nghiệm mua sắm các sản phẩm OCOP, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiêu biểu (địa điểm cổng Văn miếu Mao Điền).
Từ 10h - 11h ngày 16/3 tại sân Bái đường Văn miếu Mao Điền diễn ra lễ chữ dâng Thánh “Tôn sư trọng đạo”, giao lưu viết thư pháp các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại sân Bái đường; buổi chiều từ 13h30 - 17h tổ chức thi đấu cờ người tại phía Tây sân bê tông trước cửa đền Trình, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng phối hợp tổ chức trải nghiệm giáo dục Yolo gồm 3 nội dung: Tái hiện thi “Trạng nguyên – Vinh quy bái tổ” tìm hiểu lịch sử di tích và danh nhân thờ tại Văn miếu Mao Điền do tuyển chọn học sinh 2 trường tiểu học Cẩm Điền và Cẩm Phúc thực hiện tại sân Bái đường.
Bên cạnh đó còn tổ chức không gian văn hóa (khu vực phía sau nhà bia tiến sĩ nho học phía Đông) gồm ẩm thực chay, tổ chức trò chơi dân gian như in mộc bản, lặn tò he, viết thư pháp, vẽ tranh trên quạt giấy, làm ẩm thực bánh dân gian bánh trôi, chay, cơm nắm muối vừng; trưng bày không gian ”Làng sĩ tử” khách vào trải nghiệm không gian lớp học thầy đồ, đọc sách, thưởng trà, cơm sĩ tử; buổi tối từ 19h30 - 21h30 diễn ra chương trình không gian nghệ thuật dân gian như hát xẩm, ca trù, nhạc cụ dân tộc...
![]() |
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền năm 2024 diễn ra từ ngày 15 - 17/3 (tức từ ngày 16 -18/2 âm lịch). Ảnh tư liệu. |
Ngày 17/3 (ngày 18/2 âm lịch), 16h diễn ra tế tạ; 19h30 - 22h diễn ra chương trình văn nghệ. Bên cạnh đó, từ ngày 17-18/3 (ngày 18-19/2 âm lịch) sẽ diễn ra thi đấu Giải vô địch cờ tướng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nhà báo tỉnh Hải Dương lần thứ XXIX tổ chức tại sân Bái đường Văn miếu Mao Điền.
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội có các hoạt động trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay" và chuyên đề " Giới thiệu thân thế sự nghiệp đức Thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích"; tổ chức trưng bày chủ đề “Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền” các hình ảnh thi cử nho học, các thể lệ thi được trưng bày tại khu vực phía đông nhà tiền tế Văn miếu; hoạt động thư pháp và trưng bày triển lãm thư pháp Hán Việt của các nhà thư pháp tỉnh tại gác Chuông sân Bái đường; trưng bày hoa lan; trưng bày gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP huyện; triển lãm sách tại các gian trưng bày ngày hội sách...
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền...
![]() |
Tại lễ hội năm nay sẽ diễn ra công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương về công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đối với di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền. Ảnh tư liệu. |
Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cách quốc lộ 5A khoảng 200m. Năm 2002, được sự nhất trí của các cấp, ngành và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, bài trí thờ tự đã có sự thay đổi nhằm đề cao văn hóa dân tộc. Ngoài việc thờ Khổng Tử như trước còn phối thờ thêm 8 vị đại khoa người Việt, trong đó đúc tượng đồng 5 danh nhân là Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời lập bài vị 4 danh nhân còn lại là Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ.
Từ lâu, Văn miếu Mao Điền đã trở thành thiết chế văn hoá, giáo dục, khuyến tài, khuyến học của tỉnh Hải Dương. Tại đây, hàng năm diễn ra 2 kỳ lễ hội 18/2 và lễ dâng hương 20/8 âm lịch thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, học tập. Ngày 25/12/2017, di tích Văn miếu Mao Điền được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 6/12/2024, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 3259/QĐ-UBND công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng) là khu du lịch cấp tỉnh.