Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh giá liên tục vượt 'đỉnh'

Xăng Dầu Việt nAM
18:37 - 02/06/2022
Tăng cường quản lý, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh giá liên tục vượt 'đỉnh'. Ảnh: Quách Sơn.
Tăng cường quản lý, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh giá liên tục vượt 'đỉnh'. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương vừa công bố thông tin cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng để duy trì nguồn cung cho thị trường. 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 tháng đầu năm 2022 công bố ngày 1/6, về cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ đầu năm đến nay luôn được đảm bảo.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thời gian qua liên tục vượt kỷ lục, tạo lập các đỉnh giá mới.

Bộ này cho biết, dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3. Dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II/2022 đạt 6,7 triệu m3, bao gồm nguồn từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I/2022 chuyển sang (1,5 triệu m3).

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. Đáng chú ý, nguồn nhập khẩu nêu trên chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhập khẩu tăng thêm để bù đắp việc giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3.

Hiện nay, công tác cung ứng xăng dầu trong nước đang ở giai đoạn nhạy cảm do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn bị thiếu hụt nguồn cung.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ giao trong quý II/2022. Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (găm giữ hàng); Tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra và xử nghiêm các hành vi vi phạm trên cả nước đối với các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và kiên quyết xử lý nghiêm trong trường hợp sai phạm.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, tại phiên điều chỉnh giá ngày 1/6 vừa qua, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 5 liên tiếp, với xăng RON 95 tăng gần 1.000 đồng/lít, lập "đỉnh" với mốc 31.500 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng hơn 600 đồng/lít, đứng ở mức hơn 30.230 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 310-940 đồng/lít/kg.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương thông tin thêm, sắp tới có thể phải sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp