Đạm Hà Bắc là thương hiệu đã gắn liền với nhiều thế hệ bà con nông dân. |
Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Dự án này là nguyên nhân chính khiến CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ suốt từ năm 2015 đến nay, khi lợi nhuận không đủ bù chi phí lãi vay.
Nhà máy phân đạm đầu tiên của Việt Nam
Năm 1960, nhà máy phân đạm đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng trên mảnh đất 40ha thuộc xã Thọ Xương (nay thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Sau 5 năm xây dựng, nhà máy đã hình thành với tổng số 130 công trình. Tiếp sau đó, trong năm 1965, các phân xưởng Nhiệt điện, Tạo khí (khí than làm nguyên liệu sản xuất Amôniắc), Cơ khí được khánh thành và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã làm dang dở và kéo dài ngày sản xuất bao đạm đầu tiên tới 10 năm sau. Để bảo vệ tính mạng của công nhân và tài sản của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định đình chỉ việc đưa nhà máy vào sản xuất. Phân xưởng Nhiệt điện chuyển thành nhà máy Nhiệt điện Hà Bắc, bám trụ sản xuất phục vụ kinh tế và quốc phòng. Xưởng Cơ khí chuyển thành Nhà máy Cơ khí hoá chất Hà Bắc sơ tán lên Lạng Giang và sản xuất theo nhiệm vụ thời chiến.
Tới đầu năm 1973, nhà máy được khôi phục xây dựng và mở rộng. Ngày 1/5/1975, Chính phủ hợp nhất Nhà máy Điện Hà Bắc, Nhà máy Cơ khí Hoá chất Hà Bắc và các phân xưởng Hoá thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Ngày 12/12/1975, bao đạm mang nhãn hiệu Lúa vàng đầu tiên ra đời. Ngày 30/10/1977 Phó Thủ tướng Đỗ Mười cắt băng khánh thành Nhà máy Phân Đạm Hà Bắc – “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười cắt băng khánh thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc ngày 30/10/1977. Ảnh tư liệu |
Năm 1988, Nhà máy đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc. Năm 1993 đổi tên thành Công ty Phân đạm và Hoá Chất Hà Bắc. Năm 2006 chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phân Đạm và Hoá chất Hà Bắc. Tới năm 2016 chuyển đổi thành CTCP Phân Đạm và Hoá chất Hà Bắc, đồng thời đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán DHB.
Từ kỳ vọng đến thất vọng
Không chỉ là doanh nghiệp chuyên sản xuất urê lớn nhất cả nước, DHB còn sản xuất NH3 lỏng nguyên chất 99,9%, NH3 dung dịch. Các loại sản phẩm NH3 được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất urê trong nội bộ hoặc bán thương mại. Thị trường rộng lớn từ Bắc tới Nam và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực tại nhiều doanh nghiệp khác trong ngành như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), tình hình kinh doanh của Đạm Hà Bắc liên tục đi xuống trong 10 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế từ 460 tỷ đồng năm 2011 chuyển sang âm nặng từ 2015. Trong giai đoạn 2015-2020, lỗ lũy kế lên tới hơn 4.760 tỷ đồng.
Việc sa sút của Đạm Hà Bắc bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính. Một là việc sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào. Từ năm 2009 đến nay, giá than liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, thu hẹp biên lợi nhuận. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất urê từ khí thiên nhiên như DPM, DCM được hưởng lợi khi giá khí giảm, thực hiện giảm giá để tăng sức cạnh tranh.
Nguyên nhân thứ hai chính là dự án đầu tư mở rộng nhà máy yếu kém mà Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt thời gian qua. Dự án này được DHB triển khai từ năm 2008, nhằm nâng công suất lên mức 500.000 tấn urê/năm. Trong đó, đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có công suất 180.000 tấn urê/năm từ than cục sang sử dụng nguyên liệu than cám.
Được kỳ vọng là “át chủ bài” để Đạm Hà Bắc vươn lên thành “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất trong nước. Tuy nhiên không ngờ, đây lại chính là gánh nặng ngày càng nhấn chìm hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đội vốn, đến cuối năm 2015, công trình được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Trong tổng giá trị giải ngân 10.016 tỷ đồng tính đến tháng 9/2016 (theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng), có hơn 7.400 tỷ đồng là vốn vay. Số nợ này đã khiến chi phí lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận.
Ngay trong 2015 - năm đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động, chi phí tài chính của DHB đã tăng vọt lên 654 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 448 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận gộp eo hẹp ở mức 89 tỷ đồng. Điều này đã đẩy Đạm Hà Bắc bước vào giai đoạn thua lỗ triền miên. Những năm sau đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp đều tăng dần đều qua các năm, lên tới 979 tỷ đồng trong năm 2021. Số lãi còn bị đội lên bởi các khoản phạt do chậm trả nợ.
Cần quyết tâm tái cơ cấu
Sang năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhờ diễn biến thị trường thuận lợi, giá urê trên thị trường thế giới và trong nước tăng, hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc đã có sự khởi sắc. Năm 2021, nhà máy chạy với 92% công suất, cung cấp cho thị trường 437.000 tấn urê là mức kỷ lục của doanh nghiệp. Sau 6 năm mở rộng nhà máy, 2021 là năm lần đầu tiên Đạm Hà Bắc đã có lãi. Dù chỉ vỏn vẹn 625 triệu đồng nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng.
6 tháng đầu năm 2022, DHB đạt 3.547 tỷ đồng doanh thu, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn còn giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021 nên lợi nhuận gộp đạt 1.874 tỷ đồng. Dù chi phí lãi vay vẫn “ăn mòn” 404 tỷ đồng lợi nhuận nhưng công ty vẫn có lãi 1.346 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với số lỗ 409 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả từ sự thuận lợi thị trường khi giá phân bón tăng, sản phẩm tiêu thụ nhanh. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã trả 2.287 tỷ đồng nợ vay trong quý 2/2022, giảm tổng nợ vay xuống 3.721 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, số lỗ luỹ kế 3.407 tỷ đồng và khoản nợ vay trên vẫn là bài toán nan giải với Đạm Hà Bắc. Thực tế trong nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp phân đạm đều đạt lợi nhuận khủng nhờ hưởng lợi từ giá phân bón tăng cao chứ không riêng gì DHB. Vì vậy đây chỉ là yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn. Về dài hạn, Đạm Hà Bắc muốn duy trì lợi nhuận ổn định thì cần giải quyết các khoản tài chính trên.
Trong buổi làm việc hồi đầu tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất phương án gỡ khó cho doanh nghiệp này sau loạt kiến nghị của Chủ tịch Vinachem. Tập đoàn này xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Nhìn nhận các phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Do vậy, cần đưa đây là phương án đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay và cuối cùng mới là phá sản. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Đạm Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.
Trong buổi làm việc tại Đạm Hà Bắc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, hoàn thiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các kết luận của Bộ Chính trị theo hướng khả thi, hiệu quả trong tháng 8/2022.
Thủ tướng kiểm tra, khảo sát dự án đạm Hà Bắc ngày 13/8/2022. Ảnh: VGP |
Thủ tướng nhấn mạnh, Đạm Hà Bắc là một thương hiệu lớn, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy cần quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy sản xuất bền vững, phục vụ nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển nông nghiệp.
Với tín hiệu kinh doanh khởi sắc trong thời gian qua và sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, kỳ vọng thời gian tới “đứa con đầu lòng” của ngành phân đạm sẽ sớm có những bước chuyển mình.