SMC lên kế hoạch thận trọng khi tình hình kinh doanh năm 2024 chưa có nhiều khởi sắc. Ảnh: SMC |
Ở nhóm thép, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) là doanh nghiệp đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025, với tổng sản lượng tiêu thụ là 620.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi 80 tỷ đồng trong năm 2024, con số này giảm gần 63%.
SMC lên kế hoạch thận trọng trong bối cảnh tình hình kinh doanh năm 2024 không được thuận lợi. Doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành phần nhỏ kế hoạch khi lãi sau thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6,8 tỷ đồng. Đó là chưa kể SMC phải bán đi các tài sản, các khoản đầu tư có thanh khoản cao để thoát lỗ.
Cụ thể, SMC ghi nhận doanh thu đạt 6.747 tỷ đồng trong 9 tháng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận cải thiện nhưng vẫn ở mức rất thấp (chỉ đạt 0,5%) nên mặc dù doanh thu tài chính tăng mạnh và tiết giảm các chi phí, công ty vẫn lỗ thuần gần 54 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nhờ phần lợi nhuận khác hơn 85 tỷ đồng từ thanh lý tài sản, SMC mới có lãi.
Tại thời điểm 30/9/2024, SMC còn lỗ luỹ kế gần 145 tỷ đồng, dư âm của việc lỗ lớn trong hai năm 2022, 2023.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 (dự kiến tổ chức ngày 16/1 tới đây), CTCP Chứng khoán VPS sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng lợi nhuận trước thuế 3.500 tỷ đồng, gấp 2,3 lần con số 1.500 tỷ đồng của kế hoạch năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.
VPS đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan trong bối cảnh công ty đã vượt kế hoạch năm 2024 chỉ sau 9 tháng, với lãi trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tăng trưởng đến chủ yếu từ hoạt động tự doanh hiệu quả.
Trong vài năm gần đây, VPS luôn dẫn đầu thị phần môi giới chứng khoán nhờ chi mạnh cho hoạt động này. Trong quý 3, công ty này chiếm 17,63% thị phần môi giới trên HoSE, bỏ xa vị trí thứ hai là SSI với 8,84%.
Ngoài kế hoạch kinh doanh, HĐQT VPS còn dự kiến trình cổ đông thông qua chủ trương thay đổi trụ sở chính; kế hoạch chào bán trái phiếu ra công chúng với quy mô 5.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2025 - 2026; kế hoạch chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trong năm 2025, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ với giá trị tối đa 7.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/9/2024, VPS ghi nhận nợ phải trả gần 18.363 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn và vay dài hạn chiếm lần lượt 17.383 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
HĐQT Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) cũng vừa phê duyệt tạm thời kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2025. Công ty dự kiến tổng doanh thu đạt hơn 14.437 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch 2024; lãi trước thuế 1.743 tỷ đồng, tăng 57%.
Với công ty mẹ, mục tiêu VGC đặt ra trong năm 2025 là tổng doanh thu đạt 5.579 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.423 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 29% so với kế hoạch năm 2024.
9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 43% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Viglacera ghi nhận kết quả kinh doanh "đi lùi" trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Minh Phong |
Trong nghị quyết HĐQT ban hành đầu tháng 12 vừa qua, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) dự kiến tổng doanh thu hợp nhất năm 2025 ở mức 1.078 tỷ đồng và lãi sau thuế 365 tỷ đồng. So với mục tiêu 2024 thì kế hoạch này tăng lần lượt 72% và 251%. Đây cũng là năm SGR lên kế hoạch lợi nhuận cao kỷ lục.
Trong quý 3/2024, Saigonres ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất gần 58 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng hơn 42 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Nguyên nhân đến từ việc tăng doanh thu dự án. Tuy nhiên do quý đầu năm lỗ gần 14 tỷ đồng nên lũy kế 9 tháng, lãi ròng của nghiệp đạt hơn 18 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số doanh nghiệp khác cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025.
CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 33% so với ước tính năm 2024.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) lên kế hoạch doanh thu đạt 22.500 tỷ đồng - tăng 40% so với kế hoạch 2024. Năm 2024, công ty ước đạt doanh thu hợp nhất khoảng 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 1.100 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 16% so với ước tính năm 2024.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm tới đạt 21.782 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.713 tỷ đồng. Năm nay, công ty ước tổng doanh thu là 21.466 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 11.981 tỷ đồng, tăng 35%. Như vậy năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận lại “đi lùi”.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã VGT) kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2025 lần lượt là 6% và 10% so với năm 2024, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ các đơn hàng. Năm nay, công ty ước tính doanh thu hợp nhất đạt 18.100 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 740 tỷ đồng, tăng 38%.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) dự kiến tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2025 đạt 27.494 tỷ đồng, tăng 4,5% so với ước tính năm nay. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 4.658 tỷ đồng và 3.929 tỷ đồng, tăng khoảng 5%.