Dân số Trung Quốc có khả năng đạt đỉnh năm 2022 và đang giảm

Dân số TRUNG QUỐC
12:00 - 11/01/2023
Dân số Trung Quốc đang già hóa và sụt giảm nhanh hơn dự kiến. Ảnh: Getty Images
Dân số Trung Quốc đang già hóa và sụt giảm nhanh hơn dự kiến. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhiều chuyên gia nhân chủng học, dân số Trung Quốc có khả năng sẽ bắt đầu giảm từ năm 2022 – lần giảm đầu tiên sau nhiều thập kỷ tăng dân số - đánh dấu một cột mốc quan trọng có tác động lâu dài lên nền kinh tế nước này.

Dự kiến trong một vài ngày tới, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu chính thức về tổng số ca sinh trong năm 2022. Theo Bloomberg trích dẫn nhà nhân khẩu học He Yafu, con số này dự đoán sẽ chạm mốc thấp kỷ lục là 10 triệu, ít hơn so với mức 10,6 triệu trẻ em được ra đời trong năm 2021.

Điều này biến năm 2022 thành năm thứ 6 liên tiếp số lượng trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc sụt giảm và cũng đồng thời là mức thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Thêm vào đó, ông He cho biết Trung Quốc trong năm 2022 cũng có khả năng ghi nhận nhiều ca tử vong hơn mức 10,1 triệu người ghi nhận được trong năm 2021, một phần do sự lây lan Covid-19. Trong năm 2023, Trung Quốc có khả năng sẽ mất vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ.

So với các dự đoán trước đây, sự sụt giảm dân số tại Trung Quốc trên thực tế đang diễn ra nhanh hơn nhiều. Năm 2019, Liên Hợp Quốc từng dự báo rằng dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2031 và sau đó mới từ từ giảm xuống. Tuy nhiên gần đây, tổ chức này đã sửa đổi các ước tính của mình khi cho biết thời gian dân số Trung Quốc đạt đỉnh là năm 2022.

Tới năm 2050, dự báo của UN chỉ ra Trung Quốc sẽ mất 110 triệu người và quy mô dân số tới cuối thế kỷ này sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa quy mô hiện tại. Mặt khác theo Bloomberg Economics, sự sụt giảm dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động sẽ còn lớn hơn khi nhóm này sẽ giảm xuống còn khoảng 650 triệu người vào năm 2050, ít hơn 260 triệu người so với năm 2020.

Tuy nhiên ở hiện tại, việc Trung Quốc có tiến vào thời kỳ suy giảm dân số hay chưa vẫn chưa được kết luận do tỷ lệ dân số sẽ mất một vài năm để ổn định. Theo Tiến sĩ Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, tỷ lệ gia tăng dân số thông thường sẽ dao động quanh mức 0 một vài năm trước khi kết luận chắc chắn có thể được đưa ra.

Quy mô dân số suy giảm có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: VCG

Quy mô dân số suy giảm có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: VCG

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới số lượng trẻ em sinh ra suy giảm theo từng năm. Trong thời kỳ đại dịch, không chỉ Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác cũng ghi nhận tình trạng này do mọi người e ngại khi đến bệnh viện, thiếu sự hỗ trợ của gia đình vì các hạn chế phong tỏa và chi phí chăm sóc trẻ không được đảm bảo.

Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề khác. Một phần của việc này tới từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ tại quốc gia này, gây ra mất cân bằng giới tính. Nguyên nhân là do các gia đình Trung Quốc truyền thống có tâm lý ưu tiên con trai hơn, khiến số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh để giảm.

Hơn nữa, kể cả khi chính sách này đã được loại bỏ và các gia đình được phép sinh thêm con, tình trạng trên rất khó để có thể đảo ngược. Ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nhận định các chính sách khuyến khích tỷ lệ sinh tới quá muộn và quá ít ỏi trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng quá mạnh mẽ.

Về lâu dài, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có khả năng sẽ cắt giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc. Lực lượng lao động bị thu hẹp sẽ dẫn tới nhu cầu dài hạn về nhà ở giảm trong khi chính phủ sẽ phải vật lộn để chi trả cho hệ thống lương hưu quốc gia. Kết quả cuối cùng có thể dẫn tới Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn đáng kể trong việc vượt qua nền kinh tế Mỹ về quy mô.

Tiến sĩ Wang Tao, trưởng bộ phận kinh tế châu Á và nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS cho biết việc thay đổi tuổi nghỉ hưu có thể giải quyết một số vấn đề liên quan tới suy giảm số người trong độ tuổi lao động. Các quốc gia như Nhật Bản đã thành công trong việc duy trì tổng quy mô lực lượng lao động ngay cả khi dân số già đi và thu hẹp nhờ số lượng người lớn tuổi làm việc gia tăng và số lượng phụ nữ rời bỏ thị trường lao động để nuôi gia đình quay trở lại.

Nhưng để có thể thực hiện chính sách trên, Trung Quốc sẽ phải vượt qua một số thách thức. Chủ đề này đã được thảo luận trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ được thực hiện trên quy mô lớn và thường xuyên gây ra sự phản đối trong công chúng.

Độ tuổi nghỉ hưu trong hơn 4 thập kỷ tại đây vẫn đang là 60 đối với lao động nam và 55 đối với lao động nữ và có thể sẽ sớm được thay đổi. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tháng 12/2022, lãnh đạo Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ “thúc đẩy việc hoãn tuổi nghỉ hưu hợp pháp một cách dần dần vào thời điểm thích hợp để tích cực giải quyết các vấn đề già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.