Việc ETF iShares rút vốn tạo thêm áp lực bán ròng từ khối ngoại. Ảnh minh họa |
Ngày 7/6/2024, Tập đoàn quản lý tài sản Blackrock đã ra thông báo cập nhật về quỹ ETF iShares Frontier and Select EM - trong đó cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất (28%) trên tổng quy mô tài sản (425 triệu USD). Theo đó, quỹ ETF này sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo, mua lại chứng chỉ quỹ sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/3/2025 (lộ trình này có thể thay đổi).
Kể từ thời điểm ra thông báo đến nay, quỹ đã thực hiện đợt thanh lý cổ phiếu mạnh mẽ và đang tiếp tục xu hướng bán dần các tài sản trong danh mục. Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính, kể từ ngày 7/6 đến hết ngày 18/6/2024, quỹ này đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam mạnh từ 28% xuống còn 13,77% (tương đương giá trị còn lại khoảng 50,22 triệu USD, xấp xỉ 1.256 tỷ đồng). Tốc độ thanh lý tài sản đang có phần chững lại.
Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất gồm: HPG (6,6 triệu cổ phiếu), VHM (3,3 triệu cổ phiếu), VIC (2,6 triệu cổ phiếu), SSI, SHB (hơn 2 triệu cổ phiếu), VND, POW (hơn 1,9 triệu cổ phiếu), VNM (1,7 triệu cổ phiếu), MSN (1,4 triệu cổ phiếu)...
Theo BSC, việc ETF iShares giải thể này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Định hướng thay đổi và tập trung để hiệu quả hơn: BlackRock là tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu trên thế giới. Tại Hoa Kỳ BlackRock cung cấp hơn 600 quỹ tương hỗ và ETF để các nhà đầu tư lựa chọn với các thị trường khác nhau.
Bên cạnh các yếu tố về môi trường đầu tư, nhu cầu của các khách hàng ngày càng thay đổi và hiệu suất các kênh tài sản khác đang thực sự ấn tượng - điển hình là việc ra đời ETF Bitcoin sau thời gian dài chờ đợi - đã tạo cơ sở để BlackRock đánh giá lại và giải thể các quỹ kém hiệu quả.
Chuyên gia dự báo thời điểm đảo chiều của khối ngoại
iShares đầu tư dàn trải với tham vọng đa mục tiêu: Nhìn lại quá trình hoạt động, khi giữ bộ chỉ số cũ đã có những thời điểm quy mô hoạt động của quỹ lên đến 800 triệu USD (2014 và 2018), tuy nhiên sau đó quy mô liên tục suy giảm ngoại trừ giai đoạn tháng 11/2022.
Kể từ thời điểm chuyển đổi bộ chỉ số mới, danh mục của ETF iShares trở nên dàn trải hơn khi hướng đến một số cổ phiếu thuộc thị trường mới nổi thay vì tập trung hoàn toàn các cổ phiếu thuộc thị trường cận biên như trước đây. Việc đa dạng hóa quá mức khiến danh mục đầu tư của quỹ quá dàn trải và không nêu bật được mục tiêu đầu tư mà quỹ hướng đến.
Hiệu suất không hiệu quả: Theo dữ liệu của Bloomberg, hiệu suất hoạt động của ETF iShares thực sự không hiệu quả khi so sánh với ETF tham chiếu chỉ số S&P500 cũng như chỉ số VN30. Điều này là tác nhân chính khiến quỹ không huy động thêm vốn khi nhà đầu tư tại Hoa Kỳ có thêm các lựa chọn đầu tư hiệu quả hơn.
Ngược lại, nhìn sang ETF Fubon (Đài Loan) – ETF có quy mô lớn nhất TTCK Việt Nam và tham chiếu theo bộ chỉ số FTSE Vietnam 30 Index do FTSE cung cấp - đã và đang làm được rất tốt trong quá trình huy động thêm vốn đối từ các nhà đầu tư.
So sánh tương quan hiệu suất hoạt động iShares với ETF S&P500, VN30. |
BSC cho rằng việc ETF iShares giải thể không đáng lo ngại vì ETF iShares hiện có quy mô tài sản tại Việt Nam không đáng kể. “Áp lực bán ròng từ ETF iShares sẽ giảm bớt trong thời gian tới và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Thay vào đó, nhà đầu tư cần lưu ý hơn đến diễn biến các quỹ chủ động, ETF quy mô lớn trên thị trường như Fubon, Diamond…,” BSC nêu quan điểm.