Câu chuyện được kỳ vọng nhất đối với TTCK Việt Nam sắp tới chính là nâng hạng. Ảnh minh họa |
Trong báo cáo tuần 29/1-2/2, Chứng khoán BIDV (BSC) đã có phân tích, đánh giá về tiềm năng TTCK Việt Nam khi được các tổ chức MSCI, FTSE nâng hạng.
Theo BSC, trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ bộ” vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.
Theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện có 491 quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD (bao gồm 180 quỹ ETF có quy mô 421 tỷ USD và 311 quỹ mở có thông tin có quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE. Trong đó tỷ trọng số lượng các quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%).
Xét riêng khu vực ASEAN đối với 4 thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, có tổng cộng 240 quỹ với tổng giá trị tài sản 859 tỷ USD, trong đó bao gồm 135 quỹ mở (quy mô 490 tỷ USD, tổng giá trị đầu tư 13,12 tỷ USD) và 105 quỹ ETF (quy mô 369 tỷ USD, tổng giá trị đầu tư 19,04 tỷ USD).
Philippines tham chiếu theo bộ tiêu chí của FTSE hiện đang có 30 quỹ đầu tư với tổng quy mô 1,38 tỷ USD, theo MSCI là 150 quỹ với tổng quy mô 1,8 tỷ USD. Trong đó, quỹ ETF dựa trên bộ chỉ số FTSE có 19 quỹ với tổng giá trị đầu tư là 687 triệu USD.
Malaysia có tổng quy mô đầu tư các quỹ hiện tại là 8,1 tỷ USD, trong đó theo tiêu chí FTSE là 42 quỹ với tổng quy mô 3,6 tỷ USD và MSCI là 154 quỹ với quy mô 4,5 tỷ USD.
Indonesia và Thái Lan: Đây là 2 thị trường có quy mô vốn hoá lớn hơn, mặc dù TTCK Indonesia hiện đang được FTSE xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp nhưng với tiềm năng tăng trưởng lớn của nền kinh tế nước này, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót 10,7 tỷ USD – tương đương với quy mô của TTCK Thái Lan (đã được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi tiên tiến).
BSC dự đoán tiến trình đánh giá của MSCI, FTSE đối với TTCK Việt Nam. |
Theo ước tính của BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi, sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên BSC dự báo trong tương lai gần, TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp.
Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).
Cổ phiếu nào đáng chú ý?
Theo BSC, bên cạnh các bộ chỉ số bao quát chung, phân bổ ở các quốc gia theo tỷ trọng, MSCI và FTSE cũng sẽ có các bộ tiêu chí dành riêng cho từng thị trường để các quỹ tham khảo và tham chiếu.
Ngoài các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ chỉ số VN30-Index do Sở Giao dịch TP HCM (HoSE) ban hành, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp TTCK Việt Nam được các tổ chức nâng hạng.
BSC thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu Việt Nam có tỷ trọng lớn nhất mà các ETF ngoại đang nắm giữ, theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 6 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm: HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH.
Đối với những cổ phiếu hết “room-ngoại”, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư chứng chỉ quỹ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) trong tương lai.