Đầu tư công cho Biến đổi khí hậu: Cần đa dạng và tập trung hơn

Đầu tư công cho Biến đổi khí hậu: Cần đa dạng và tập trung hơn

BĐKH Việt nAM
18:40 - 12/03/2022
Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu cho thấy, Việt Nam phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ cấu chi cần đa dạng và gắn chặt với kế hoạch kinh tế chung hơn nữa.

Hội thảo "Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2014-2020" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đã diễn ra chiều 11/3. Sự kiện nhằm chia sẻ kết quả Báo cáo và trao đổi về các khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả của việc lập kế hoạch huy động và sử dụng các nguồn lực cho BĐKH và tăng trưởng xanh.

Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu (CPEIR) đánh giá chi ngân sách nhà nước cho biến đổi khí hậu của 6 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, và Bộ Khoa học và Công nghệ), 28 tỉnh và một thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ).

Báo cáo cho thấy Việt Nam đang phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tổng chi ngân sách của 6 Bộ và 29 tỉnh, thành phố khoảng 6,5 tỷ USD đương với 1,3 tỷ USD mỗi năm, giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, ngân sách cho biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020 của 6 Bộ có giá trị từ 8.000 - 13.500 tỷ đồng/năm, ổn định tương đương 26 - 38% tổng ngân sách cấp Bộ. Hơn 90% ngân sách được chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu; phần còn lại chi cho “khoa học, kỹ thuật và xã hội” và “chính sách và quản lý nhà nước”.

Ngân sách cho BĐKH (tỷ đồng) của 6 Bộ được lựa chọn, chia thành nguồn vốn ODA và trong nước cho giai đoạn 2010-2020. Các số liệu trên mỗi cột thể hiện tỷ lệ phần trăm ngân sách cho BĐKH trên tổng ngân sách của các bộ

Ngân sách cho BĐKH (tỷ đồng) của 6 Bộ được lựa chọn, chia thành nguồn vốn ODA và trong

nước cho giai đoạn 2010-2020. Các số liệu trên mỗi cột thể hiện tỷ lệ phần trăm ngân sách cho

BĐKH trên tổng ngân sách của các bộ

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT chiếm khoảng 80% tổng chi cho biến đổi khí hậu mỗi năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông. Các Bộ khác có cơ cấu chi đa dạng hơn, bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai. Sự đa dạng của các nhiệm vụ liên quan đến khí hậu của các Bộ cho thấy tính đa dạng trong các giải pháp ứng phó được xác định trong nhiệm vụ chính sách của các Bộ.

Ở cấp tỉnh, ngân sách bình quân cho biến đổi khí hậu của 28 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương cũng tăng đều khoảng 53%, từ khoảng 700 triệu USD năm 2016 lên gần 1,1 tỷ USD năm 2020. Ngân sách cho biến đổi khí hậu chiếm tỷ trọng tương đối ổn định trong tổng ngân sách cấp tỉnh, dao động trong khoảng 16% - 21% tổng ngân sách.

Tổng hợp ngân sách đầu tư cho BĐKH của 29 tỉnh thành từ năm 2016 đến năm 2020 với hai nguồn vốn chính là ODA và trong nước (số liệu trong ngoặc đơn phía trên các cột là % của ngân sách đầu tư cho BĐKH trên tổng ngân sách đầu tư của tỉnh).

Tổng hợp ngân sách đầu tư cho BĐKH của 29 tỉnh thành từ năm 2016 đến năm 2020 với hai

nguồn vốn chính là ODA và trong nước (số liệu trong ngoặc đơn phía trên các cột là % của

ngân sách đầu tư cho BĐKH trên tổng ngân sách đầu tư của tỉnh).

Ngân sách cho biến đổi khí hậu tăng hàng năm chủ yếu do mức đầu tư ODA tăng. Vốn ODA tăng từ 3.800 tỷ đồng lên 10.900 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách đầu tư cho biến đổi khí hậu bằng vốn ODA tăng từ 24% năm 2016 lên 46% vào năm 2020. Ngược lại, ngân sách đầu tư trong nước phần lớn ổn định trong giai đoạn nghiên cứu. Do nguồn vốn ODA ngày càng tăng, phần đóng góp của vốn đầu tư trong nước trong ngân sách đầu tư cho biến đổi khí hậu giảm từ 76% năm 2016 xuống 54% vào năm 2020.

Trình bày báo cáo trên, nhóm nghiên cứu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về mặt chính sách và thể chế, Việt Nam đã ứng phó mạnh mẽ với các thách thức về biến đổi khí hậu thông quan ban hành hàng loạt các chính sách, chương trình quốc gia cũng như thực hiện lồng ghép các yêu cầu ứng phó trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm và hàng năm.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu này, các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu có thể được tăng cường góp phần thực hiện thành công đóng góp quốc gia tự nguyện quyết định cập nhật giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, quy mô ngân sách đầu tư cho biến đổi khí hậu của các tỉnh so với Tổng ngân sách đầu tư của các tỉnh dao động từ 2% cho tới 59% và quy mô ngân sách đầu tư của Bộ dao động từ 26 -38% Tổng ngân sách.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong. Đây là khu vực có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.

Tuy vậy, đồng bằng sông Cửu Long luôn đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính vì thế, việc thúc đẩy chi tiêu và đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của 13 tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó ngân sách trung ương chiếm 53,7%, ngân sách địa phương 42,9% và trái phiếu chính phủ là 3,4%.

Các lĩnh vực đầu tư chính trong Kế hoạch đầu tư trung hạn gồm: phát triển đô thị bền vững (30% tổng vốn đầu tư cho biến đổi khí hậu, phát triển giao thông bền vững (16%), thủy lợi (10%), nông nghiệp (9%), quản lý bền vững tài nguyên nước (8%) và cấp thoát nước (4%). Đây là những lĩnh vực được bố trí vốn thực hiện tại tất cả 13 tỉnh ĐBSCL, mặc dù tỷ lệ vốn chiếm tỷ lệ rất khác nhau tại mỗi tỉnh.

Cơ cấu đầu tư cho BĐKH & TTX tại mỗi tỉnh ĐBSCL.

Cơ cấu đầu tư cho BĐKH & TTX tại mỗi tỉnh ĐBSCL.

Xét cụ thể trong 2 năm 2016-2017, phần lớn đầu tư thực tế trong năm 2016 và 2017 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu (95,3%), còn 1,1% cho lĩnh vực giảm thiểu biến đổi khí hậu và 3,6% cho mục tiêu hỗn hợp, cả thích ứng và giảm thiểu.

Tuy nhiên, tại một hội nghị diễn ra tại Kiên Giang đầu tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ “rất trăn trở” với ĐBSCL, vùng có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn chưa phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn.

Tiềm năng, lợi thế lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã được chú trọng nhưng kết quả thực tế chưa rõ rệt.

Đánh giá chung về chi tiêu và đầu tư biến đổi khí hậu, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện UNDP cho hay, Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng ngân sách cho thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngân sách thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa đủ để giải quyết các nhu cầu và rủi ro khí hậu của Việt Nam.

Ngoài ra, theo bà Caitlin Wiesen, các Bộ khác có cơ cấu chi cho biến đổi khí hậu đa dạng hơn, bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai. Sự đa dạng của các nhiệm vụ liên quan đến khí hậu của các Bộ cho thấy tính đa dạng trong các giải pháp ứng phó được xác định trong nhiệm vụ chính sách của các Bộ.

Đại diện UNDP tại Việt Nam đưa ra hai đề xuất về vấn đề này:

Thứ nhất, các chiến lược về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cùng các kế hoạch hành động cần được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu chính sách, kế hoạch của các ngành, các tỉnh, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tổng thể.

Thứ hai, Việt Nam cần tích hợp một cách có hệ thống việc mã hóa và theo dõi ngân sách biến đổi khí hậu, quá trình lập kế hoạch cũng như ngân sách. Điều này sẽ cho phép báo cáo và theo dõi một cách nhất quán, có hệ thống, minh bạch về việc cung cấp tài chính cà kĩ thuật cho các cam kết về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, báo cáo rà soát cũng đặt ra vấn đề, việc thực hiện mục tiêu này phải được lồng ghép vào kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển 10 năm cấp quốc gia và địa phương.

Bởi lẽ, việc dự toán và phân bổ ngân sách công dựa trên kế hoạch và chiến lược này. Tuy nhiên, hiện có nhiều chiến lược và kế hoạch khác nhau về biến đổi khí hậu, trong đó đưa ra nhiều chỉ tiêu nhưng chỉ có một số ít là có yêu cầu về ngân sách. Biến đổi khí hậu liên quan đến nhiều lĩnh vực và việc ứng phó cũng phải được lồng ghép trong các chính sách và kế hoạch của các Bộ ngành và các tỉnh.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất, Bộ KH&ĐT cần ban hành hướng dẫn về việc lồng ghép các kế hoạch và dự án liên quan đến biến đổi khí hậu vào kế hoạch đầu tư công tổng hợp hàng năm của các Bộ và các tỉnh/ thành phố. Bộ Tài chính cần hướng dẫn việc phân bổ chi thường xuyên cho các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

Ngoài ra, việc rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu, công tác lập kế hoạch ở các Bộ, ngành và địa phương cần được tăng cường để đảm bảo phân tích rõ ràng và toàn diện các nhiệm vụ của khu vực công và các ưu tiên chi tiêu. Đồng thời, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, sở KH&ĐT, sở Tài chính các tỉnh cần nắm vững các chính sách về biến đổi khí hậu cần có năng lực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó.

Đọc tiếp