ĐHĐCĐ Hải Phát, tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN |
Đại hội được tổ chức với 108 cổ đông thành viên tham dự và ủy quyền tham dự, tương ứng hơn 200 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 65,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo tài liệu được công bố, trong năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu công ty mẹ/hợp nhất đạt tối thiểu 2.500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng. Hải Phát cũng dự kiến không chia cổ tức trong năm 2023.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 được Hải Phát đề ra là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống. Theo đó, công ty sẽ tiến hành rà soát, cơ cấu lại mô hình hoạt động, số lượng công ty con, cơ cấu nhân sự gọn nhẹ, giảm đầu mối để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Rà soát lại các tài sản và pháp lý các tài sản, xem xét lại các gói trái phiếu và trách nhiệm pháp lý liên quan, tập trung cân đối dòng tiền, thu xếp vốn để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán và triển khai dự án năm 2023.
Hải Phát xác định việc cấu trúc nợ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện thủ tục cần thiết để cơ cấu lại một số khoản vay phù hợp, cân đối nguồn để trả nợ gốc, lãi trái phiếu, đàm phán với các trái chủ gia hạn gói trái phiếu liên quan.
Một trong những vấn đề quan trọng khác tại đại hội lần này là việc bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028. Danh sách các ứng viên được công ty công bố bao gồm ông Đỗ Quý Hải, ông Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Vũ Hồng Sơn và ông Lã Quốc Đạt.
Trong 5 cá nhân kể trên, chỉ có 2 ứng viên hiện đang có mặt ở HĐQT của Hải Phát, đó là Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Phương. 3 cái tên còn lại đều chưa từng công tác tại HPX.
ĐHĐCĐ lần này của Hải Phát được tổ chức trong bối cảnh cơ cấu sở hữu của công ty vừa chứng kiến nhiều biến động trong thời gian gần đây.
Cụ thể, vào phiên 14/9, ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan là bà Hoàng Thị Ý, bà Hoàng Thị Như, ông Nguyễn Việt Dũng và CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, nâng sở hữu tại Hải Phát từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ, tương đương 50,321 triệu cổ phần công ty.
Tạm lấy giá chốt phiên làm giá mua, nhóm nhà đầu tư này ước tính đã phải chi xấp xỉ 272 tỷ đồng để mua về lượng cổ phiếu này. Sau giao dịch, nhóm cổ đông của ông Hoàng Văn Toàn trở thành cổ đông lớn nhất của Hải Phát, hơn cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải với tỷ lệ sở hữu 13,43%.
Trong số các ứng viên ứng cử vào HĐQT lần này của Hải Phát, ông Vũ Hồng Sơn là một trong 3 cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, ông Sơn cũng có thời gian dài làm Thành viên HĐQT công ty cho tới tháng 7/2023.