Chứng khoán VNDirect muốn huy động vốn lớn từ kênh trái phiếu. |
CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) mới công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành phát hành trái phiếu ra công chúng, cùng phương án sử dụng vốn và trả nợ.
Công ty chứng khoán dự kiến phát hành tối đa 20 triệu trái phiếu, tương đương tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, được chia làm hai đợt trong năm 2025. Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất kết hợp cố định và thả nổi.
Cụ thể, đợt 1 phát hành 3 mã trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, trong đó các mã lần lượt có giá trị 250 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Đợt 2 tiếp tục phát hành 3 mã với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, bao gồm cả lượng trái phiếu chưa phát hành hết ở đợt đầu.
Mục đích của đợt phát hành nhằm huy động vốn để mở rộng hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin), đầu tư vào các giấy tờ có giá, và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác. Nguồn trả nợ gốc và lãi sẽ được lấy từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác, đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Liên quan đến việc huy động vốn, ngày 20/12 vừa qua, HĐQT VNDirect đã thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng số tiền hơn 2.435 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng hoàn thành hồi tháng 7/2024.
Trong đợt phát hành này, VNDirect chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 5 cổ phiếu có quyền mua 1 cổ phiếu mới, giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Qua đó, công ty nâng vốn lên gần 15.223 tỷ đồng.
Theo kế hoạch mới, VNDirect sử dụng 40% số tiền thu được để bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ; 20% đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường; 15%-20% dành cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; 20%-25% sẽ được bổ sung vào các khoản tiền gửi ngân hàng, thay thế kế hoạch trước đó là dành cho phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo. Tiến độ sử dụng vốn dự kiến là đến hết năm 2024.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của VNDirect đạt mức 43.296 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền dành cho tự doanh (FVTPL) với 24.437 tỷ đồng, chiếm 56% cơ cấu tài sản. Danh mục FVTPL của VNDirect đang bao gồm 3.279 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, 13.129 tỷ đồng trái phiếu, 7.949 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Dư nợ cho vay margin và ứng trước cuối kỳ ghi nhận 10.823 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 23.800 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn với hơn 21.300 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu ở mức 400 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2024, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 4.113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.467 tỷ đồng; lần lượt giảm 11% và tăng 23% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Riêng quý 3/2024, tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước - thấp nhất kể từ quý 2/2021. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chỉ đạt 168 tỷ đồng, giảm 44%.
Doanh thu của VNDirect kém sắc trong bối cảnh thị phần môi giới của công ty liên tục sụt giảm. Thời điểm quý 3/2023, thị phần giao dịch môi giới của VND trên sàn HoSE vẫn xếp thứ 3 với tỷ lệ 7,21%, sau VPS và SSI. Đến quý 3/2024, mức thị phần của VNDirect chỉ còn 5,7% - thấp nhất trong vòng 8 năm và rơi xuống vị trí thứ 6 trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao nhất sàn HoSE.