Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương phát biểu mở đầu đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Đại hội ghi nhận sự có mặt của 35 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 512 triệu cổ phần, tương đương 92% vốn điều lệ NCB. Tính trung bình, mỗi cổ đông đại diện cho 14,6 triệu cổ phiếu NVB, tương đương 2,63% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, trong năm 2023, NCB đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh, bao gồm tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng (thực hiện 96.265 tỷ đồng), huy động vốn 78.000 tỷ đồng (thực hiện 80.043 tỷ đồng), quy mô khách hàng đạt 1 triệu khách. Tuy nhiên, NCB ghi nhận khoản lỗ vượt so với kế hoạch 16 tỷ đồng đã đề ra.
Lý giải việc chưa hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2023, Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương cho biết nguyên nhân chủ yếu từ nguồn thu phí, dịch vụ sụt giảm do khó khăn chung của toàn thị trường; nguồn thu từ tín dụng không đạt kỳ vọng do bị giới hạn về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao, việc tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với dự kiến.
Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần giảm do thu nhập từ lãi vay chưa đủ bù chi phí huy động (Từ cuối năm 2022 đến hết quý 3/2023, lãi suất huy động neo khá cao theo diễn biến thị trường), thu nhập ngoài lãi giảm do ảnh hưởng của thị trường bảo hiểm, trái phiếu…
Do kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2023 là số âm, HĐQT trình phương án không thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2023 tại đại hội cổ đông.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, NCB lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng năm đạt 16,27% lên 64.344 tỷ đồng, huy động khách hàng tăng 7,51% lên 86.050 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 10% lên 105.892 tỷ đồng. Quy mô khách hàng dự kiến tăng 15% từ 1 triệu lên 1,15 triệu khách.
Đáng chú ý, ngân hàng không đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại (PACCL).
Toàn cảnh ĐHĐCĐ NCB. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Ban lãnh đạo NCB đánh giá kinh tế thế giới còn nhiều thách thức và bất ổn trong năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức. Những khó khăn được nhận định đến từ những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.
Trong năm 2024, ngân hàng dự kiến tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, phương án này đã được ĐHĐCĐ thông qua tại đại hội thường niên năm 2023 và đã được NHNN chấp thuận.
Theo đó, ngân hàng sẽ chào bán tối đa 620 triệu cổ phiếu, có thể một hoặc nhiều đợt tùy thuộc tình hình thị trường, việc thương lượng và đàm phán với các nhà đầu tư. Nếu hoàn thành đợt tăng vốn, NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ 5.600 tỷ đồng lên hơn 11.800 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định số đợt chào bán và số lượng cổ phiếu chào bán trong mỗi đợt phát hành. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư dự kiến là 6.200 tỷ đồng. Trong đó, 5.300 tỷ đồng được dành cho bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh, 500 tỷ đồng cho công nghệ và chuyển đổi số, 200 tỷ đồng xây dựng nhận diện thương hiệu, 200 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất.