Ông Dương Văn Mậu - Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC (giữa) chủ trì Đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Tính đến 8h37 sáng, đại hội có sự tham dự của 14 cổ đông, đại diện cho 186,5 triệu cổ phần, tương đương 88,85% vốn điều lệ công ty.
Trong năm 2024, Vinaconex ITC lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 526,52 tỷ đồng, cao gấp 12,5 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến 96,59 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 286,73 tỷ đồng của năm 2023.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, ban lãnh đạo VCR trình cổ đông không trả cổ tức do tại thời điểm 31/12/2023, công ty đang lỗ luỹ kế 518 tỷ đồng.
Về nhân sự, Vinaconex ITC trình cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đào Ngọc Thanh do có đơn từ nhiệm, bổ sung 1 thành viên mới vào nhiệm kỳ 2021-2026. Đáng chú ý, ông Trần Quang Phụng vào ngày 3/4 cũng vừa có đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của VCR do “bận công việc cá nhân”.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, Tổng giám đốc Lê Văn Huy dự báo trong năm 2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trong trạng thái ảm đạm, chưa thể phục hồi do sức cầu thị trường chưa được cải thiện, sức mua và thanh khoản chủ yếu tại các phân khúc sản phẩm bất động sản có nhu cầu ở thực hoặc tạo dòng tiền ngay.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai kinh doanh các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại trong năm 2024 vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường khó hấp thụ.
Công ty sẽ tiếp tục thu hồi công nợ của các khách hàng đã ký hợp đồng; đối với các sản phẩm bán mới, căn cứ tín hiệu, sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ xem xét thời điểm bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp, nhằm tối ưu lợi nhuận cho công ty và cổ đông.
Trọng tâm của Vinaconex ITC trong năm 2024 vẫn sẽ là dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà tại thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Bà, TP Hải Phòng - hay còn được biết đến với tên thương mại là dự án Cát Bà Amatina.
Ban lãnh đạo muốn cổ đông thông qua phương án đầu tư, kinh doanh dự án theo hình thức chuyển nhượng một phần dự án cho nhà đầu tư khác để tiếp tục đầu tư, kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp tác với bên thứ ba để triển khai bán hàng.
Về nguồn tài chính, Vinaconex ITC cho biết sẽ tiếp tục làm việc với tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư có năng lực tài chính để triển khai các phương án hợp tác, hoạt động huy động vốn, bao gồm cả thế chấp các tài sản của dự án để triển khai phương án huy động vốn.
Vào ngày 6/3 vừa qua, HĐQT Vinaconex ITC cũng đã phê duyệt khoản vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, thời hạn vay từ ngày giải ngân đến hết 29/10/2027. Tài sản đảm bảo là các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của VCR. Tới ngày 22/3/2024, toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ “các giấy tờ pháp lý dự án” của dự án Cát Bà Amatina đã được VCR mang thế chấp tại VPBank chi nhánh Láng Hạ, TP Hà Nội.
Dự án Cát Bà Amatina do Vinaconex ITC làm chủ đầu tư có quy mô 172,38 ha, được khởi công cuối tháng 11/2020. Tổng vốn đầu tư dự kiến 10.941 tỷ đồng với mục tiêu trở thành dự án đô thị du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, hiện đại hàng đầu Việt Nam.
Ở một diễn biến khác, vào cuối tháng 9/2023, Vinaconex và VCR đã đạt thỏa thuận tự nguyện đồng ý chấm dứt và thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư trước thời hạn kể từ ngày 30/9/2023.
VCR được nhận lại toàn bộ các tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng phát sinh từ thỏa thuận tại hợp tác đầu tư. Đồng thời, công ty có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Vinaconex khoản vốn góp là 2.200 tỷ đồng.
Hợp đồng hợp tác đầu tư số 31/2021/HTĐT-VCG-VCR ký ngày 10/6/2021 giữa Vinaconex và VCR, nhằm đầu tư và phát triển phân khu CT02 thuộc Dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà. Theo hợp đồng này, Vinaconex sẽ được phân chia lợi nhuận dựa theo lợi nhuận của dự án cũng như được đảm bảo từ VCR mức lợi nhuận tối thiểu trên giá trị khoản vốn đã góp.
VCG cũng sử dụng toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh mà công ty sẽ thu được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh này làm tài sản đảm bảo cho 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng phát hành vào giữa năm 2021.