Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Trong những năm 2016 - 2020, Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai với thiệt hại trung bình hàng năm ước tính lên đến hơn 32.000 tỷ đồng, tương đương với 0,5% GDP, kèm theo đó là hàng trăm người chết và mất tích.
Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu tác động rõ nét nhất
Trong bối cảnh đó, Báo cáo “Nghiên cứu tác động của biến động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam” công bố ngày 16/8 chỉ ra rằng, nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Khả năng phục hồi sau thiệt hại của nhóm này cũng thấp hơn nhiều so với các nhóm dân cư khác.
Còn xét về góc độ loại hình tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Báo cáo nói trên do Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp thực hiện cho thấy, trong khi miền núi phía Bắc và miền Trung phải đối mặt với các đợt lũ lụt tàn khốc, thì một số nơi khác như Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long lại hứng chịu các đợt hạn hán kéo dài, kéo theo nguồn nước ngầm sụt giảm.
Riêng về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong chia sẻ với Mekong ASEAN rằng, tác động nhãn tiền và ảnh hưởng lớn nhất của biến đối khí hậu tới bà con trong khu vực là hiện tượng nước biển dâng, từ đó dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng lớn.
Ngoài ra, nguồn nước sông Mekong cũng đang gặp khó khăn do các nước trên thượng nguồn của dòng sông đã xây nhiều đập thủy điện. Điều này kết hợp với hiện tượng nước biển dâng càng khiến xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp vốn là sinh kế chính của người dân trong khu vực.
Theo ông Tùng, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch tổng thể và được Chính phủ thông qua, nhưng các chính sách cần phải tập trung coi thích ứng là yếu tố quan trọng hơn cả.
Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách có thể chú ý đến chia vùng với các mức độ tác động khác nhau để từ đó đưa ra các chiến lược thích ứng phù hợp. Có những khu vực, không thể thay đổi điều kiện tự nhiên nên người dân sẽ phải tính đến phương án thay đổi sinh kế, từ trồng cây sang nuôi thủy sản, từ sống trên đất liền sang những ngôi nhà nổi. Những vùng cao hơn có thể xây dựng những đê bảo vệ và những mương nước ngọt, hạn chế xâm nhập mặn để giữ nguyên sinh kế cho người dân.
Trong khi đó, đồng quan điểm như Báo cáo đã chỉ ra rằng nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, ông Tùng cũng đánh giá việc bà con nông dân, các hộ gia đình nhỏ lẻ có nguồn lực yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang là trở ngại lớn để người dân có thể tự ứng phó với hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Bối cảnh này sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng.
“Nếu không sớm có những hoạch định chính sách triệt để thì sẽ dẫn đến xu hướng di dân tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đây được coi là chiếc phao cứu sinh cuối cùng của người dân để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu”.
Hiện nay, theo thống kê có nhiều người dân đã di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long sang khu vực Đông Nam Bộ. “Làn sóng di cư này tạo ra nguy cơ lớn với an ninh lương thực vì Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đảm bảo an ninh lương thực với Việt Nam mà cả thế giới. Đây là lý do khiến khu vực này nhận được sự quan tâm rất lớn của thế giới về các vấn đề sinh kế và tác động biến đổi khí hậu”, TS. Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.
Tác động của biến đổi khí hậu không đồng đều trên nhiều khía cạnh
Theo khảo sát của Báo cáo, các lĩnh vực đời sống - sức khỏe, giáo dục và tiền lương là các khía cạnh thể hiện sự không đồng đều rõ rệt trong tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Xét về đời sống và sức khỏe, Báo cáo trên đưa ra tính toán rằng, nếu tăng thêm một ngày thời tiết lạnh cực đoan trong năm thì ước tính sẽ làm tăng khả năng bị ốm tới hơn 4.000 trẻ em ở các hộ gia đình nghèo và gần 25.000 trẻ em ở các hộ gia đình với chủ hộ có trình độ học vấn từ THCS trở xuống.
Trong khi đó, người dân cũng có xu hướng hạn chế mức độ tiếp xúc với thời tiết cực đoan để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, biện pháp này lại không áp dụng được với tất cả mọi người, vì một số người nghèo và người lao động ngoài trời vẫn phải làm việc kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Về khía cạnh giáo dục, Báo cáo ước tính rằng, khi tăng thêm một ngày lạnh cực đoan trong năm có thể làm giảm khả năng đi học của 1.175 trẻ em thuộc các hộ nghèo và 14.620 trẻ em ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, tác động này đến nhóm không nghèo và sống ở thành thị là không rõ rệt.
Với bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu ở Việt Nam, tác động không đồng đều này làm dãn rộng thêm chênh lệch về tiếp cận giáo dục giữa hộ nghèo và hộ không nghèo giữa hộ ở khu vực nông thôn và thành thị.
Thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người một năm, phân theo nhóm dân cư. |
Về tác động tiền lương, nhiệt độ cực đoan có xu hướng gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn đến nhóm yếu thế, làm trầm trọng hơn bất bình đẳng kinh tế.
Khi so sánh tác động giữa hai nhóm người dân tộc thiểu số và người Kinh, Báo cáo trên chỉ ra, nếu tăng một ngày có nhiệt độ cao hoặc thấp cực đoan trong năm sẽ làm giảm mức lương người dân tộc thiểu số tương ứng khoảng 1% hoặc 1,3%. Tuy nhiên, tác động này không thấy rõ ở nhóm người dân tộc Kinh chiếm đa số ở Việt Nam.
Tương tự, nhóm dân cư nghèo và nhóm không nghèo chịu tác động do biến đổi khí hậu cũng khác nhau. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng chênh lệnh về tiền lương giữa hai nhóm này khi tần suất xuất hiện của nhiệt độ cực đoan gia tăng.
Nhà nước cần đứng ở vai trò dẫn dắt về chính sách
Trước những thực trạng do Báo cáo chỉ ra nói trên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đưa ra những gợi ý chính sách. Theo ông, sự khác biệt của vùng miền Việt Nam rất rõ ràng với các đặc thù khác nhau.
“Để thực hiện giải pháp, cần nhìn nhận trước vấn đề xảy ra và xác định các đối tượng bị tác động, đối tượng nào ít, đối tượng nào nhiều. Nhà nước cần đứng ở vai trò dẫn dắt để định hướng đúng đắn về chính sách. Bên cạnh đó là sự chia sẻ của các bên liên quan và những tổ chức xã hội”.
Trong khi đó, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia UNDP về chính sách công cho biết, theo khảo sát PAPI (Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam), có 40 – 50% hộ gia đình cho biết bị ảnh hưởng ở mức độ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng về thiệt hại do biến đổi khí hậu.
"Về phục hồi, 54% hộ dân cho biết tự phục hồi bảo vệ tài sản nhưng có đến 72% hộ dân cho rằng muốn Nhà nước hỗ trợ để phục hồi. Về di cư có 1,3% cho rằng vì thiên tai nên muốn di cư khỏi địa bàn sinh sống. Đây là điều tác động đến chính sách”, bà Huyền phân tích thêm.
Hợp phần định tính của Báo cáo Nghiên cứu tác động của biến động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam được thực hiện qua các buổi tham vấn với các bên liên quan, thông qua phỏng vấn sâu với đại diện cơ quan Chính phủ, đoàn thể và các tổ chức phát triển ở cấp Trung ương (Hà Nội) và cấp tỉnh ở Thừa - Thiên Huế và Cà Mau từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022.